“Luôn đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết”

10:29, 23/05/2015

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ước mơ của chị là được làm cô giáo đứng trên bục giảng dạy chữ cho học sinh, lúc cần nghiêm túc để lựa chọn cho mình một nghề nhất định, chị lại có suy nghĩ nhân văn hơn: “Làm nghề y sẽ chữa bệnh cứu giúp được nhiều người”.

 Thế là chị dẹp ước mơ tuổi học trò để rẽ sang con đường đã chọn: đăng ký và thi đỗ vào Trường Đại học Y- Dược Thái Nguyên (trước là Đại học Y khoa Bắc Thái). Chị tâm sự: Cuối năm thứ 4, trong quá trình thực tập ở Bệnh viện, tôi thấy nhiều trẻ em thời điểm đó thường là những trẻ em nhà nghèo lại hay mắc các bệnh nan y như: thiếu máu, viêm cầu thận, thấp tim, tiêu chảy, suy dinh dưỡng…Xuất phát từ tình yêu thương con trẻ, thấy các cháu như vậy tôi đã đăng ký vào chuyên khoa nhi với mong muốn sau này ra trường sẽ có điều kiện chữa bệnh cho các em nhỏ nhiều hơn”. Ra trường, chị vào làm ở Bệnh viên A năm 1988 và gắn bó với Khoa Nhi 11 năm. Cũng trong thời gian đó, được sự phân công của Bệnh viện, chị vừa làm bác sĩ điều trị ở khoa Nhi, vừa theo trực ở Khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC). Trước yêu cầu của Khoa HSCC, chị tiếp tục theo học chuyên ngành HSCC ở Hà Nội và chính thức chuyển về Khoa HSCC làm bác sĩ điều trị từ năm 2001.

 

Với sự không ngừng phấn đấu vươn lên về mọi mặt, năm 2006, bác sĩ Đặng Thị Mai Anh đã được bổ nhiệm làm Phó Khoa HSCC và một năm sau tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng khoa. Ở cương vị mới, đối với một bác sĩ làm công tác quản lý, đáng lẽ chỉ phải tham gia công tác điều trị từ 30 đến 40% khối lượng công việc chuyên môn, song bác sĩ Mai Anh vẫn tham gia điều trị như các bác sĩ khác. Mặc dù công việc đã phân công cụ thể cho các y, bác sĩ theo ca trực, song với trách nhiệm của trưởng khoa, một ngày làm việc của chị luôn tất bật từ 6 giờ sáng có mặt ở bệnh viện đến 18 giờ tối. Hầu hết các buổi tối sau khi đưa con đến lớp học thêm, chị lại quay vào bệnh viện để kiểm tra, hỏi thăm, khám bệnh các bệnh nhân hoặc hỏi han xem các y, bác sĩ có gì còn khó khăn cần giúp đỡ kể cả việc công lẫn việc tư. Hôm nào chị không vào được thì gọi điện cho các bác sĩ trực và các y tá kiểm tra xem có tình hình gì đặc biệt ở Khoa để giải quyết vướng mắc kịp thời. Đối với công việc ở Khoa HSCC cũng rất bận rộn: bên cạnh nhiệm vụ chính là tiếp nhận và chẩn đoán, điều trị bệnh nhân nặng tại Khoa, còn hỗ trợ xử lý cấp cứu những bệnh nhân nặng ở các khoa khác trong Bệnh viện; điều trị thường xuyên chạy thận nhân tạo cho gần 70 bệnh nhân bị suy thận nặng; tham gia cấp cứu ngoại viện…

 

Đặc điểm chung của các bệnh nhân khi đã vào Khoa đều là những bệnh nhân nặng, chủ yếu là cấp cứu do sốc chấn thương, sốc nhiễm khuẩn; suy hô hấp; đột quỵ não; các bệnh lý về ngộ độc (thuốc trừ sâu, ma túy, thực phẩm)…nên áp lực công việc đối với chị rất lớn không chỉ về mặt thời gian mà còn là sự bức xúc, lo lắng của người nhà bệnh nhân. Vì vậy, chị phải bố trí thời gian hết sức khoa học và rèn cho mình đức tính nhẫn nhịn để chia sẻ với nỗi lo, bức xúc của người nhà bệnh nhân. Có những trường hợp người bệnh vào đây đã quá nặng, biết là không thể chữa khỏi nhưng một mặt vẫn phải tích cực cấp cứu khẩn trương với thái độ nhiệt tình, nhã nhặn; mặt khác phải động viên, giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu về tình trạng bệnh tật của người bệnh để họ chia sẻ, thông cảm và không thể trách được mình nếu như có tình huống xấu nhất xảy ra. Chị tâm sự: “ Càng tiếp xúc nhiều với bệnh nhân tôi càng thấu hiểu người bệnh cần mình như thế nào? Vì thế, tôi luôn tự nhủ mình cần phải chăm sóc bệnh nhân như chính người nhà của mình và luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết”. Do vậy, hầu hết các buổi trưa chị chẳng mấy khi về nhà hay nghỉ ngơi mà dành thời gian trò chuyện với bệnh nhân, an ủi người bệnh và qua câu chuyện có thể hiểu thêm về lịch sử bệnh tật của họ để động viên kết hợp chữa trị đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, chị luôn giành thời gian để cập nhật kiến thức mới nhằm nâng cao tay nghề. Thường xuyên cập nhật kiến thức và tổ chức học tập về chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng giao tiếp cho anh chị, em trong Khoa không chỉ trên lý thuyết mà còn bằng tình huống cụ thể để đội ngũ y, bác sĩ có thể xử lý những tình huống phức tạp; nâng cao tinh thần thái độ, trách nhiệm trước bệnh nhân và có thể đảm đương tốt các công việc Khoa. Đối với sinh viên ở các trường chuyên ngành y khoa trên địa bàn tỉnh đến thực tập, chị luôn tận tình chỉ bảo như con em mình. 

 

Với tinh thần làm việc chu đáo, đầy trách nhiệm, bác sĩ Mai Anh đã tạo được sự tín nhiệm cao của Ban Giám đốc Bệnh viện; sự yêu mến, cảm phục từ đồng nghiệp; sự tin tưởng ở bệnh nhân. Anh Trần Văn Huân ở xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Mẹ tôi là Nguyễn Thị Suất bị ô tô đâm từ phía sau xe máy   cụt cả hai chân. Lúc xảy ra tai nạn, gia đình tôi chưa biết tin thì đã được các y, bác sĩ của Khoa HSCC mang cáng ra tận nơi sơ cứu tại chỗ, sau đó đưa về Khoa điều trị tiếp. Trong quá trình điều trị ở đây, tôi thấy các y, bác sĩ rất tận tình, thái độ hòa nhã, cởi mở. Những gì mà tôi cần hỏi đều được các y, bác sĩ hướng dẫn, chỉ bảo đến nơi đến chốn. Đặc biệt, bác sĩ Mai Anh là trưởng khoa nhưng cũng thường xuyên đến kiểm tra, hỏi han tình hình, tiến triển bệnh tật và động viên mẹ tôi”. Còn anh Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc Bệnh viện A nhận xét: “Khoa HSCC là khoa đặc biệt vì những bệnh nhân đã vào đây đều là bệnh nhân nặng. Vì vậy, đòi hỏi người thầy thuốc đầu tiên là phải có bản lĩnh; tinh thần trách nhiệm cao; có tính quyết đoán; chuyên môn giỏi; phương thức cấp cứu nhanh, kịp thời; đức tính nhẫn nhịn, mềm mỏng. Bác sĩ Mai Anh là một trong những người đáp ứng được các yêu cầu đó”.

 

Những cố gắng của bác sĩ Mai Anh không chỉ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn giỏi, có tinh thần trách nhiệm với công việc và thái độ tốt với bệnh nhân mà còn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của Bệnh viện. Từ đó ngày càng thu hút lượng bệnh nhân đến với Bệnh viện nhiều hơn. Những năm trước đây, chỉ tiêu giường bệnh của Khoa HSCC tuy năm nào cũng đạt kế hoạch được giao nhưng cũng chỉ ở mức từ 5 đến 10 giường bệnh, nay tần suất sử dụng giường bệnh thường xuyên đạt 25 giường (năm 2014 chỉ tiêu giao là 15 giường bệnh, năm 2015 là 21 giường), đó là chưa kể 10 xe đẩy đa năng bệnh nhân chờ cấp cứu. Nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu đến đây tưởng như không chữa khỏi nhưng đã được tập thể y, bác sĩ cứu chữa thành công. Ví dụ như: có bệnh nhân đưa vào cấp cứu trong tình trạng bị uốn ván toàn thể (độ 4); sốc nhiễm khuẩn nặng, đột quỵ não, tâm phế mạn. Bệnh viện đã mời bác sĩ của Bệnh viện Lâm sàng nhiệt đới Trung ương lên cùng hội chẩn. Họ đã đánh giá cao đội ngũ bác sĩ của Khoa: chẩn đoán đúng, điều trị đúng phác đồ, kết quả điều trị tốt.   

      

Không chỉ “đảm việc nước”, chị Mai Anh còn là người rất “đảm việc nhà”. Mặc dù công việc ở Bệnh viện bận rộn như vậy nhưng chị vẫn bố trí thời gian một cách khoa học để đưa, đón con đi học; hướng dẫn con học bài, bảo ban con cái biết đối nhân xử thế trong cuộc sống. Bản thân chị luôn làm gương cho các con bằng việc sống hiếu thảo, biết quan tâm, chăm sóc đến cha, mẹ; người nghèo khổ.

 

Sự nỗ lực của chị đã được ghi nhận xứng đáng: Nhiều năm chị liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; đảng viên xuất sắc; hai lần được Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng.