Mang nhiều ý nghĩa

15:09, 08/05/2015

Hiện nay, huyện Phổ Yên và T.X Sông Công đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận là T.X Phổ Yên và T.P Sông Công.

Một trong những yêu cầu trong xây dựng đô thị là việc đặt tên các tuyến đường, phố, công trình công cộng đang được 2 địa phương thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời cũng mang tính giáo dục truyền thống lịch sử cho người dân thông qua việc lấy tên các danh nhân, nhân vật lịch sử của đất nước để đặt tên đường, phố.

 

Thị trấn Ba Hàng mở rộng có diện tích trên 5.500ha, bao gồm: Thị trấn Ba Hàng hiện nay, thị trấn Bãi Bông, xã Nam Tiến, xã Trung Thành, xã Thuận Thành và một phần các xã Hồng Tiến, Đắc Sơn, Đồng Tiến, Tân Hương, Đông Cao và Tân Phú, dự báo quy mô dân số đến năm 2030 là 80.000 người. Trong đó, dân số khu vực dự kiến phát triển thành nội thị là 50.000 người. Đô thị này có tính chất là thị trấn trung tâm huyện lỵ, công nghiệp, dịch vụ của huyện Phổ Yên. Mục tiêu trong năm 2015, huyện Phổ Yên phấn đấu được công nhận là thị xã công nghiệp, Trung tâm kinh tế phía Nam của tỉnh, trong đó thị trấn Ba Hàng mở rộng sẽ là vùng lõi của đô thị. Vì vậy việc đặt tên đường trên địa bàn huyện Phổ Yên là cần thiết, bởi nó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hành chính, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, địa chỉ phục vụ việc giao dịch, giao lưu, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá của dân tộc cho người dân.

 

Còn đối với T.X Sông Công, địa phương đã được công nhận là đô thị loại III. Đến năm 2013, Thị xã đã có 17 tuyến đường được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, tuy nhiên mới chỉ có 5 tuyến được đặt tên (chiếm 29,4%), còn 12 tuyến chưa được đặt tên, Việc này gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý hành chính cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân.

 

Từ sự cần thiết phải đặt tên đường, phố, công trình công cộng trên các địa bàn đô thị, huyện Phổ Yên và T.X Sông Công đã xây dựng Đề án đặt tên đường, phố tại địa phương. Theo đó, trên địa bàn thị trấn Ba Hàng mở rộng sẽ có 19 tuyến đường, T.X Sông Công gồm 6 tuyến đường, 6 tuyến phố và 1 công trình công cộng được đặt tên. Hầu hết các tuyến đường được đề nghị đặt tên lần này đều đã có, đang sử dụng và nằm trong quy hoạch chi tiết của 2 địa phương. Việc lựa chọn, sắp xếp các tên đường, phố cơ bản đều hợp lý, thể hiện tính bao quát, cân đối, phù hợp với vị trí, cấp độ và quy mô của mỗi tuyến đường, phố. Tên các tuyến đường được đặt trên cơ sở lựa chọn tên một số danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử của đất nước hoặc địa phương như: Lý Nam Đế, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Đỗ Cận, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Vũ Xuân…

 

Ông Hoàng Văn Pha, Trưởng phòng Quản lý Đô thị T.X Sông Công cho biết: Để việc đặt tên đường, phố, công trình công cộng được thực hiện khoa học, hợp lý, mang ý nghĩa, huyện đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền tới 10 xã, phường, thông qua các kênh: Trang thông tin điện tử Thị xã, Đài phát thanh, lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của người dân… Trên cơ sở các tên đường, phố được đề xuất, Thị xã lựa chọn, so sánh vị trí, quy mô, cấp độ của đường, các công trình công cộng để đặt tên xứng đáng với ý nghĩa của địa danh, tầm quan trọng của sự kiện lịch sử và công lao của danh nhân. Đặc biệt là xem xét đến sự gắn kết của các vị danh nhân đến lịch sử, văn hóa của từng địa phương, giữ lại những tuyến đường đã có tên gọi quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. Thị xã có 5 tuyến đường được đặt tên trước đó và không thay đổi tên gọi gồm: Đường Cách mạng Tháng Tám, đường Cách mạng Tháng Mười, đường Thắng Lợi, đường Thống Nhất, đường 3-2.

 

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người dân, thì một số tuyến đường trong Đề án có tên gọi còn xa lạ với người dân địa phương, chưa mang tính chất đặc trưng cho địa phương, hoặc trùng lặp với tên nhiều tuyến đường ở các địa phương khác trong tỉnh, như: Trần Nhật Duật, Trần Nguyên Hãn, Cách mạng Tháng Tám… Vẫn còn một số tuyến đường chưa xứng tầm với tên gọi các vị danh nhân.

 

Để việc đặt tên đường, phố, công trình công cộng có giá trị giáo dục truyền thống, đồng thời hạn chế sự trùng lặp, thì các cơ quan chức năng vẫn cần rà soát, kiểm kê tên các đường, phố và công trình công cộng, đảm bảo mỗi đô thị có hồ sơ riêng. Ngoài ra, để mỗi người dân tự hào về con phố mình đang sống được mang tên các vị anh hùng, danh nhân nên chăng mỗi biển hiệu tên đường, phố có thêm phần giới thiệu thật ngắn gọn về những đóng góp của các anh hùng, danh nhân góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ.