Trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện nay, việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) diễn ra khá phổ biến. Thực trạng này không những gây nguy cơ gây mất an toàn, sự cố cho lưới điện, mà còn xảy ra tai nạn, hỏa hoạn, có thể dẫn đến chết người. Nguy hiểm hơn, khi mùa mưa lũ đang đến gần.
Nhiều vi phạm HLATLĐ:
Ông Hoàng Quốc Chí, Phó Giám đốc Điện lực T.P Thái Nguyên dẫn chúng tôi đi xem công trình nhà ở của bà Nguyễn Thị Vấn, ở tổ 19, phường Thịnh Đán vi phạm HLATLĐ. Công trình được xây dựng sát với đường dây điện 22KV, dây điện là dây trần, khá nguy hiểm, tường nhà chỉ cách đường dây điện khoảng 1m, nhưng chủ của công trình này vẫn cho thợ tiếp tục thi công. Theo ông Chí, theo quy định, khoảng cánh từ mép ngoài của dây dẫn tới công trình phải cách từ 2m trở lên nhưng chủ hộ đã không tuân thủ quy định trên. Còn đối với đường dây 22KV, chạy qua xã Phúc Hà đang bị cây cối mọc um tùm che kín, nếu trời mưa rất dễ truyền điện, phóng điện, gây mất an toàn cho người, súc vật khi qua lại hoặc gây cháy nổ mất an toàn cho đường dây.
Theo báo cáo của Điện lực T.P Thái Nguyên, các công trình nhà ở xây dựng vi phạm HLATLĐ từ năm 2012 trở về trước hiện còn tồn tại 36 trường hợp. Trong khi việc chấp hành các yêu cầu tháo dỡ công trình của các trường hợp trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong năm 2014, trên địa bàn Thành phố tiếp tục có thêm 4 trường hợp xây dựng nhà ở vi phạm khoảng cách ATHLLĐ.
Thời gian qua, do nhu cầu xây dựng đô thị, trên địa bàn thành phố cũng đã phát sinh nhiều điểm thi công san lấp mặt bằng, nhiều công trình thi công trong phạm vi HLATLĐ cao áp cũng đã làm thay đổi hiện trạng và khoảng cách pha đất như: San lấp mặt bằng khu tái định cư và mặt bằng xây dựng trường Trung cấp Luật Thái Nguyên trong vi phạm đường dây 22KV 473-E6.4; san lấp mặt bằng xây dựng trạm y tế phường Tích Lương trong phạm vi đường dây 35 KV 372-E6.2, mở rộng bãi đổ thải mỏ than Khánh Hòa trong phạm vi đường dây 476-E6.4.Trên thực tế, việc trồng cây trong hành lang và dưới đường dây cao áp, trong hành lang trạm biến áp cũng diễn ra phổ biến, đặc biệt trên địa bàn các xã Phúc Trìu, Thịnh Đức, Phúc Xuân, Tân Cương, Phúc Hà.
Xử lý vi phạm chưa triệt để:
Trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện nay có trên 73,882km đường dây 35KV, 219.822km đường dây 22kV với 571 trạm biến áp phân phối và 772km đường dây hạ thế. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề triển khai thực hiện các quy định về đảm bảo ATHLLĐ, ông Hoàng Quốc Chí thông tin thêm: Hàng năm Điện lực Thành phố luôn chủ động phối hợp với các phòng, ban, các xã, phường để thực hiện công tác tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý những trường hợp vi phạm HLATLĐ trên địa bàn, nhưng việc phối hợp vẫn chưa được tốt nên việc xử lý vi phạm chưa được thực hiện triệt để. Cụ thể như trường hợp vi phạm HLATLĐ của gia đình bà Nguyễn Thị Vấn, tổ 19, phường Thịnh Đán nêu trên, mặc dù Điện lực Thành phố phát hiện, lập biên bản báo cáo hiện trạng ngày 13-4-2015, gửi thông báo đề nghị hộ đó dừng thi công. Điện lực Thành phố cũng đã có công văn đề nghị UBND phường Thịnh Đán xử lý vi phạm pháp luật và yêu cầu gia đình bà Vấn dừng thi công, nhưng ngày 6-5-2015 chúng tôi đến vẫn thấy gia đình bà Vấn cho thợ tiếp tục thi công công trình. Hoặc đối với phường Quán Triều đang có 10 hộ vi phạm HLATLĐ, sau nhiều lần gửi công văn đề nghị chính quyền phường giải quyết nhưng không xử lý được... Ngoài thiếu tinh thần trách nhiệm của một số phường, xã trong việc thực hiện Luật Điện lực thì hiện nay việc xử lý vi phạm còn khá lúng túng. Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện và các quy định về bảo vệ hành lang ATLĐ cao áp quy định rất rõ ràng về thẩm quyền xử phạt của lãnh đạo UBND cấp xã, phường nhưng trên thực tế việc xử phạt ở một số xã, phường còn nương nhẹ dẫn đến các hộ vi phạm HLATLĐ "nhờn luật", có những hộ không cho ngành chức năng chặt tỉa cây còn đòi đền bù như một số hộ ở các xã: Phúc Hà, Phúc Xuân, Phúc Trìu.
Được biết, tại cuộc họp với các cơ quan, ban, ngành, bàn biện pháp xử lý tình trạng vi phạm HLATLĐ giữa tháng 4 vừa qua, lãnh đạo Thành phố cũng đã yêu cầu ngành Điện lực tiếp tục phối hợp tốt với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, đặc biệt với chính quyền các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn không để phát sinh thêm vi phạm HLATLĐ. Với những trường hợp vi phạm ở mức nguy hiểm sẽ phải cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa, chặt cây cối không để xảy ra sự cố phóng điện, nhất là hiện nay đang chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ đang đến gần. Thiết nghĩ, các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường của thành phố cần tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo để phối hợp xử lý các vi phạm, hạn chế thấp nhất tổn thất do mất an toàn lưới điện gây ra .