Tăng cường công tác phối hợp phòng chống bệnh dại

14:52, 07/05/2015

Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên, 4 tháng qua, số người tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh đã cao hơn cả năm 2014. Hiện tại Thái Nguyên cũng là tỉnh dẫn đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại. Cùng với số người tử vong do bệnh dại tăng cao, toàn tỉnh còn có gần 4000 người phải tiêm vắc xin/huyết thanh để điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó nghi dại cắn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2014.

Tại Thái Nguyên bệnh dại trên đàn chó đã xuất hiện ở hầu khắp các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, nhiều nhất là các huyện Phổ Yên, Đại Từ, Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên. Ở các địa phương này, liên tục xuất hiện chó có biểu hiện lên cơn dại chạy rông và cắn người hàng loạt.

 

Qua rà soát của Chi cục thú y, tổng đàn chó của tỉnh ước tính có 241.000 con và số chó được tiêm phòng đợt 1 đầu năm 2015 là 139.200 con, đạt tỷ lệ 58%. Tỷ lệ trên chưa đạt được mức độ bao phủ (70% tổng đàn), nếu như tiếp tục tiêm đợt 2 vào tháng 9/2015 thì tỷ lệ vẫn chỉ đạt 65 % (tương đương với 155.000 con chó được tiêm phòng). Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm 2012, tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn chó đạt 39,2%; năm 2013 tăng lên 48,4% và năm 2014 là 64,1%. Như vậy, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó liên tiếp qua các năm đều chưa đạt theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới. Rõ ràng, nguy cơ gia tăng số người tử vong vì bệnh dại là rất lớn nếu không nâng cao hiệu quả công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, hạn chế tình trạng nuôi chó thả rông, đẩy mạnh công tác truyền thông về tiêm phòng bệnh dại. Đáng lo ngại hơn là Trung tâm y tế dự phòng tỉnh chưa có Labo xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm phát hiện vi rút dại nên nhiều trường hợp người dân phát hiện và đưa mẫu vật đến đề nghị xét nghiệm nhưng không được đáp ứng, khiến cho việc phát hiện, kiểm soát bệnh dại càng thêm khó khăn...

 

Để ngăn chặn bệnh dại lây lan trên địa bàn, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên đang tập trung triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh dại trên đàn chó và trên người. Vận động nhân dân trong vùng có dịch nuôi chó phải xích nhốt, đảm bảo vệ sinh thú y; yêu cầu mọi trường hợp bị chó, mèo cắn hoặc tiếp xúc với nguồn lây đều phải được khám, tư vấn và tiêm vắc xin/huyết thanh phòng bệnh. Trung tâm huy động các nguồn lực để tổ chức tiêm miễn phí vắc xin/huyết thanh phòng bệnh dại cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với các trạm thú y thống kê, rà soát lại các hộ có nuôi chó nhưng chưa được tiêm phòng trên địa bàn để kịp thời tiêm phòng bổ sung triệt để. Trung tâm kiên quyết tiêu hủy chó không tiêm phòng và xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi không chấp hành tiêm phòng bắt buộc vắc - xin đàn chó nuôi.../.