Hiện nay, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) trên địa bàn huyện Đồng Hỷ ngày càng phức tạp, đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân và việc cung cấp điện. Để khắc phục tình trạng này cần sự vào cuộc của nhiều phía.
Chỉ tính từ đầu năm tới nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có gần 20 vụ tai nạn do vi phạm HLATLĐCA. Vụ việc gần đây nhất là vào 20 giờ 30 phút ngày 20-5, toàn bộ xã Khe Mo cùng một phần khu vực xã Hóa Thượng và thị trấn Chùa Hang bị mất điện đột ngột. Nguyên nhân gây sự cố là do một cây tre có chiều cao trên 10m của gia đình ông Hoàng Anh Điệp, xóm La Nưa, xã Khe Mo bị đổ vào đường dây cao áp. Dù ngành Điện đã vào cuộc tích cực để khắc phục sự cố, song phải đến trưa ngày 21-5, mới cấp điện trở lại để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của bà con nhân dân.
Tình trạng trồng cây xanh vi phạm HLATLĐCA, dẫn đến khi chặt cây hoặc lúc trời mưa gió, cây đổ vào đường dây gây mất điện trên diện rộng chiếm phần lớn các vụ tai nạn về điện xảy ra trên địa bàn huyện thời gian qua. Đối với trường hợp chặt cây, gây đổ vào đường điện, có nhiều trường hợp không xác định được thủ phạm là ai. Cụ thể như, cây keo tại rừng trồng của gia đình ông Hoàng Văn Tuấn, xóm Tiền Phong (xã Khe Mo) bị chặt đổ vào đường điện ngày 13-4. Hay như ngày 11-4, cây keo cao 12m tại rừng trồng ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán của gia đình ông Trần Xuân Chính, bị chặt đổ vào dây điện cao thế, khiến cả xã bị mất điện trong 1 ngày… Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có tình trạng san ủi mặt bằng gây đổ cột điện, khiến mất điện trên diện rộng. Đơn cử như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Quý, xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng san gạt mặt bằng gây đổ cột điện số 06 và nguy cơ đổ cột điện số 05 và 07 thuộc trạm biến áp của xóm…
Không chỉ ảnh hưởng tới việc cấp điện, gây sự cố mất điện trên diện rộng, việc vi phạm HLATLĐCA trên địa bàn thời gian qua còn là mối hiểm họa lớn, thường trực, đe dọa và cướp đi tính mạng người dân. Ví dụ như ngày 26-5 vừa qua, bà Lương Thị Đơ, sinh năm 1954, trú tại xóm Mỏ Ba, xã Tân Long đã bị thiệt mạng do vi phạm HLATLĐCA. Được biết, bà đi chặt cây để lấy củi ở địa điểm cách nhà khoảng 500m, cây bị đổ vào đường điện (do Xí nghiệp Kẽm chì Làng Hích quản lý) khiến bà bị điện giật và tử vong tại chỗ.
Những sự cố, tai nạn nêu trên đã thêm hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm HLATLĐCA trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện nay. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng này vẫn xảy ra khá phổ biến. Trong đó, lỗi vi phạm chủ yếu là do nhà ở và các công trình xây dựng không đủ khoảng cách quy định và tình trạng trồng cây hoặc để cành cây, dây leo mọc vào hành lang an toàn lưới điện. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện còn 76 công trình đang vi phạm HLATLĐCA ở 18 xã thị trấn. Các trường hợp vi phạm tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn như: Chùa Hang (16 điểm), Trại Cau (9 điểm), Sông Cầu (9 điểm), Linh Sơn (6 điểm), Văn Hán (6 điểm)… Bên cạnh đó, những điểm trồng cây xanh vi phạm HLATLĐCA thì còn rất phức tạp, trong đó có 25 điểm đen chưa giải tỏa được do người dân thường xuyên gây khó khăn không cho chặt tỉa cây và đòi bồi thường.
Ông Mai Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Điện lực Đồng Hỷ cho biết: Điện lực huyện được giao quản lý tổng chiều dài đường dây cao thế trên 300km. Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều giải pháp hạn chế tình trạng vi phạm như: Kiểm tra thường xuyên hành lang an toàn lưới điện; rà soát và đảm bảo toàn bộ các thông số kỹ thuật an toàn của hành lang an toàn như: Khoảng cách pha - đất, khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp; khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không vượt qua rừng, vườn; nhà ở, công trình, cây trong và ngoài hành lang… Bên cạnh đó, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền về thực trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, cũng như mức độ nguy hiểm của người dân khi vi phạm. Tuy nhiên, các vụ vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người dân về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp chưa cao. Cụ thể: người dân chưa hiểu rõ quy định của Nhà nước về việc bảo vệ HLATLĐCA; chủ quan, không lường trước những nguy hiểm, tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra khi xây dựng nhà, hàng quán gần công trình điện. Bên cạnh đó, khi lập quy hoạch sử dụng đất, cấp đất, một số xã, thị trấn chưa khảo sát kỹ thực địa, không tính đến sự tồn tại của đường điện và thiếu phương án di dời giải phóng mặt bằng đối với công trình điện trước khi giao đất…
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngành Điện chỉ thực hiện chức năng quản lý, vận hành lưới điện, kiểm tra, phát hiện những điểm vi phạm và báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương lập thông báo an toàn, biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. Chính quyền địa phương là đơn vị có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp vi phạm HLATLĐCA mà Điện lực Đồng Hỷ lập biên bản, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp dứt khoát buộc chủ nhà, chủ công trình khắc phục, dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn cứ diễn ra, nhiều điểm vi phạm tồn tại nhiều năm chưa xóa bỏ được. Thiết nghĩ, theo quy định của pháp luật, trách nhiệm chính trong bảo vệ HLATLĐCA là của ngành Điện, chính quyền địa phương các cấp, và nhân dân ở nơi có lưới điện đi qua. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của ngành Điện cũng rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp và đặc biệt là sự đồng lòng, chung tay của người dân để giải được “bài toán” khó bảo đảm HLATLĐCA trong khi mùa mưa bão đã đến khiến các vi phạm nói trên càng trở nên nguy hiểm.