Chắp cánh cho thương hiệu gà đồi

17:49, 10/06/2015

Câu chuyện về anh Hà Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Khánh (Phú Bình) và anh Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX Chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh (nhiều người vẫn quen gọi là HTX Gà Đông Thịnh) tự bỏ ra hàng chục triệu đồng để vào tận tỉnh Tiền Giang học hỏi kinh nghiệm bán hàng và cách thức quản lý của HTX Gò Công khiến chúng tôi rất ấn tượng.

Được trực tiếp nghe kể về những việc các anh đã, đang và dự định sẽ làm mới thấy hết sự tâm huyết của hai người với mong muốn đưa thương hiệu gà đồi của HTX nói riêng, của huyện Phú Bình nói chung bay xa.

 

Một ngày đầu tháng 6 này, nhận lời mời của anh Thịnh, chúng tôi tìm về xã Tân Khánh. Có lẽ, sự tâm huyết đối với con gà của 2 anh đã khiến đồng chí Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện - anh Dương Văn Hòa không khỏi cảm động. Chẳng thế mà, mặc dù vào Chủ nhật, nhưng khi biết chúng tôi có ý muốn đến tìm hiểu về HTX này, anh Hòa liền “nhận” đưa chúng tôi về tận nơi. Anh Hòa bảo, được đi cùng nhà báo, nghe nhà báo trao đổi với các thành viên HTX sẽ giúp tôi hiểu hơn về cách thức làm ăn của người dân, biết được họ có tâm tư, nguyện vọng, định hướng làm ăn như thế nào trong thời gian tới… Bởi Phòng được UBND huyện (chủ sử dụng) giao cho việc thẩm định hồ sơ của các tổ chức, cá nhân khi đăng ký quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gà đồi Phú Bình”. Vì thế, đây cũng là dịp để huyện tuyên truyền đến các hộ dân hiểu thêm về nhãn hiệu, từ đó có ý thức thực hiện theo các quy định để được sử dụng nhãn hiệu, giúp cho thương hiệu Gà đồi Phú Bình ngày càng được nhiều người biết đến.

 

Hơn 8 giờ, đón chúng tôi tại UBND xã, anh Thịnh đưa chúng tôi đến hộ xã viên Nguyễn Văn Hiền, ở xóm làng Cà. Với gần 20 năm kinh nghiệm nuôi gà, trong đó có hơn 10 năm chuyên làm nghề ấp trứng bán con giống, anh Hiền hiện có gần 3.000 con gà mái đẻ (giống gà Mía và Lương phượng). Trong tổng đàn này, gia đình anh chỉ trực tiếp nuôi 700 con, số còn lại anh gửi tại một số hộ dân trong xã (trung bình mỗi hộ nuôi cho anh 500 con). Người nhận nuôi gia công cho anh chỉ phải bỏ tiền mua thức ăn và công chăm sóc. Toàn bộ số trứng chăn nuôi được đều bán lại cho anh Hiền. Sau khoảng 1 năm, khi đàn gà không còn đảm bảo chất lượng, anh Hiền sẽ thu hồi để bán gà thịt, rồi cung cấp đàn gà mới cho hộ nuôi. Để các hộ nuôi yên tâm, 2 năm trở lại đây, anh Hiền đã thỏa thuận với dù giá thị trường có thấp đến thế nào thì anh vẫn thu mua cho họ với giá thấp nhất là 4.000 đồng/quả, còn bình thường sẽ mua theo giá thị trường (hiện đang mua là 5.500 đồng/quả). Với cách thu mua này của anh Hiền, các hộ nuôi gia công cho gia đình anh không còn lo lỗ (bởi để có được 1 quả trứng, người nuôi chỉ tốn khoảng 2.500 đồng). Thời gian qua, đã có những lúc giá trứng trên thị trường chỉ là 3.300-3.500 đồng/quả, nhưng anh vẫn thu mua theo giá đã thỏa thuận.

 

Cách thức làm ăn này của anh Hiền đang được HTX Gà Đông Thịnh khuyến khích, nhân rộng. Và đây cũng là một trong những phương châm hoạt động, là đích hướng đến của HTX trong thời gian tới. Anh Hà Văn Đông, cũng là Phó Giám đốc HTX tâm sự: Rút kinh nghiệm từ một số nhà cung cấp loại vật nuôi này ở địa phương lân cận, vì không đủ nguồn cung nên họ thu mua cả những sản phẩm không đạt chuẩn theo cam kết. Vì thế, khách hàng dần quay lưng lại với sản phẩm, rồi dẫn đến mất hoàn toàn khách. Điều này buộc đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhà cung cấp phải tìm đối tác mới. Cũng theo anh Đông, ngoài nguồn cung, một yêu cầu khác không thể thiếu đối với HTX trong lúc này là phải có lò giết mổ. Bởi hiện nay, nhu cầu gà thịt sẵn tại các siêu thị, nhà hàng trong và ngoài tỉnh rất lớn. Nếu không có lò giết mổ để khép kín quy trình hoạt động thì buộc HTX phải thuê bên ngoài, như vậy vừa tốn thêm một phần chi phí so với việc tự làm, vừa không đảm bảo yêu cầu về chất lượng như mong muốn.

 

Được biết, đầu năm 2015, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, người quản lý một siêu thị có tên tuổi ở Hà Nội biết đến thương hiệu gà đồi Phú Bình cũng như HTX nên đã tìm về tận Tân Khánh để đặt vấn đề với HTX mỗi ngày sẽ mua 300 con gà thịt sẵn. Hợp đồng được ký kết theo năm. Nếu HTX chấp nhận đơn hàng này sẽ đồng nghĩa với việc HTX sẽ phải có ít nhất 9.000 con gà mỗi tháng và như vậy, mỗi năm phải có 110 nghìn con gà. Song do hiện HTX mới có 15 xã viên, với mức nuôi trung bình 3.000 con/lứa/xã viên (mỗi năm 2 lứa) thì chưa đủ để đáp ứng được đơn hàng. Vì thế, HTX chưa dám nhận mặc dù biết đây là cơ hội rất lớn đối với các xã viên.

 

Anh Thịnh bảo: Khi thực lực chưa đủ, tôi và anh Đông đều thống nhất tạm thời từ chối đơn hàng, vì nếu cố làm chắc chắn sẽ khó đảm bảo đúng cam kết, mặc dù chúng tôi có thể thu mua gà của các hộ ngoài HTX. Ngoài ra, một vấn đề khác đang khiến HTX gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra ổn định cho các xã viên đó chính là chất lượng sản phẩm không đồng đều và có quá nhiều chủng loại gà đang được cùng nuôi. Hiện các xã viên vẫn đang hoạt động trong tình trạng mạnh ai lấy làm, mà chưa tuân theo 1 quy trình nuôi cũng như thống nhất nuôi chung 1 giống. Nếu không khắc phục được điều này sẽ rất khó, thậm chí là không thể tạo ra được thương hiệu. Vì thế, trong thời gian tới, khi một số yếu tố được đáp ứng, HTX sẽ quy định các xã viên chỉ nuôi duy nhất giống gà Ri bản địa, bởi đây là giống gà có chất lượng thịt thơm ngon, chắc, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Nói về chuyến bay đến Tiền Giang, anh Đông bảo: Nhờ người quen giúp đỡ tận tình nên anh em tôi mới có điều kiện được tiếp cận với ban lãnh đạo HTX Gò Công để học tập kinh nghiệm quản lý cũng như quy trình chăn nuôi. Toàn bộ chi phí cho chuyến đi cả chục triệu đồng đều do anh em tôi tự bỏ tiền túi nhưng chúng tôi vẫn rất thoải mái vì đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích: Tới đây, khi HTX đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ áp dụng chế độ thưởng - phạt rõ ràng, công minh. HTX sẽ quản lý việc chăn nuôi của xã viên theo quy trình mà HTX đưa ra (quy trình này đã được kiểm nghiệm, mang lại hiệu quả cao trên thực tế: thịt gà chắc, thơm, tốt cho sức khỏe người ăn). Cách thức quản lý cũng sẽ được thực hiện giống như của VietGap - nghĩa là cũng có sổ theo dõi từ việc tiêm phòng, sử dụng loại thức ăn, trọng lượng gà từng giai đoạn… Đổi lại, các xã viên sẽ được bao tiêu sản phẩm với 1 mức giá ổn định trong cả năm, dù giá thị trường có liên tục bấp bênh. Tất cả những việc làm này đều nhằm hướng đến mục tiêu đưa HTX trở thành thương hiệu mạnh, giúp các xã viên cũng như người chăn nuôi trên địa bàn hình thành thói quen làm việc theo chuỗi liên kết, có trách nhiệm trước cộng đồng về những sản phẩm mà mình làm ra.

 

Tính đến nay, HTX Chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh đã thành lập được gần 2 năm (từ tháng 10-2014) trên cơ sở tổ hợp tác (trước đó là từ Câu lạc bộ Chăn nuôi gà). Với quan niệm làm đâu chắc đấy, cho nên mặc dù có nhiều hộ muốn đặt vấn đề được gia nhập nhưng chưa được  chấp thuận. Vì thế, HTX vẫn chỉ duy trì số lượng 15 xã viên từ khi thành lập đến nay. Để thuận tiện cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, 2 anh Đông - Thịnh đang hoàn thiện hồ sơ gửi Trung tâm Xúc tiến Thương mại (Sở Công Thương) để đăng ký xây dựng Webside cho HTX. Cùng với đó là làm các thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Gà đồi Phú Bình”. Các anh cũng mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ của UBND huyện hoặc các cơ quan chức năng trong việc đầu tư xây dựng lò giết mổ. Anh Đông bảo, kinh phí để xây dựng lò cần khoảng 270 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, tuy nhiên các anh sẽ quyết tâm thực hiện bằng được trong năm nay.

 

Hy vọng, với lòng quyết tâm và sự tâm huyết của anh Thịnh, anh Đông và các hộ xã viên, thương hiệu Gà của HTX Chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh sẽ được chắp cánh để bay xa, qua đó cũng sẽ góp phần giúp nhãn hiệu “Gà đồi Phú Bình” trở thành một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. Mong rằng, những HTX như thế này sẽ được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn nữa để mô hình HTX có điều kiện sống khỏe, tạo tiền đề cho việc thành lập mới các HTX khác, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới mà Đảng, Nhà nước đã và đang triển khai.