Chủ động ứng phó với ngập úng

09:45, 23/06/2015

Xã Cổ Lũng nằm ở phía Nam huyện Phú Lương, có mặt bằng trung bình thấp hơn so với một số xã phía Bắc của huyện, vì vậy, khi mùa mưa bão đến thường xảy ra tình trạng ngập úng.

Hiện nay đang trong mùa mưa bão, chính quyền địa phương đã chuẩn bị các điều kiện nhằm chủ động ứng phó với ngập úng khi có mưa lớn kéo dài.

 

Xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng nằm dọc con sông Đu với chiều dài trên 1km nên hễ có mưa lớn là nước sông dâng lên, tràn vào các hộ dân trong xóm, gây ngập úng kéo dài. Hiện đang là mùa mưa nên công tác chuẩn bị ứng phó với ngập úng được người dân quan tâm. Ông Lương Quang Minh, Bí thư Chi bộ xóm Đồi Chè cho biết: Do không có tuyến đê ngăn giữa xóm với sông Đu nên khi mưa lớn là xóm chìm trong “biển nước”. Cơn bão số 3 xảy ra vào tháng 9 năm ngoái, xóm có 225 hộ dân thì có trên 2/3 số hộ nhà bị ngập, toàn bộ diện tích hoa màu, trại lợn, ao cá đều bị cuốn trôi. Sau cơn mưa phải 2-3 ngày sau nước mới rút, bà con trong xóm mới trở lại sinh hoạt được.

 

Để chủ động ứng phó với mưa bão năm nay, người dân xóm Đồi Chè đã tổ chức phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh xung quanh khu vực sinh sống, đồng thời tiến hành nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng nhằm khơi thông dòng chảy khi có mưa lớn. Bên cạnh đó, xóm đã thành lập tiểu ban phòng chống lụt bão với 6 thành viên để thay phiên túc trực 24/24 giờ; phát tín hiệu bằng trống thúc khi mực nước dâng cao để người dân vùng ven sông di chuyển ra nơi an toàn; tuyên truyền, vận động bà con trữ lương thực trong bao tải để dễ dàng vận chuyển; chuẩn bị các vật dụng cần thiết như cây chuối, can nhựa… để cơ động di chuyển khi nước dâng cao.

 

Nhà của ông Đào Văn Thành chỉ cách sông Đu chỉ hơn 100m nên ông luôn thấp thỏm, ăn ngủ không yên mỗi khi có mưa lớn. Mùa mưa năm ngoái, do nước sông tràn vào nhà nên nhiều đồ điện, vật dụng trong nhà như: máy nổ, máy bơm nước, tủ lạnh… đều bị hư hỏng. Ông Thành cho biết: Cơn bão số 3 năm ngoái, mực nước dâng lên quá nhanh nên toàn bộ thóc, gạo của gia đình tôi đều bị ướt hết. Năm nay, gia đình tôi không để thóc trong thùng, hòm tôn nữa mà đựng thóc vào các bao tải để tiện vận chuyển đến nơi an toàn. Đồng thời, gia đình cũng đã chuẩn bị các phương tiện như can nhựa, thuyền để phòng khi nước dâng cao có thể dùng để di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

 

Nối liền với xóm Đồi Chè, xóm Làng Phan cũng có vị trí nằm ven sông Đu với chiều dài hơn 1km nên tình trạng ngập úng cũng dễ xảy ra khi có mưa lớn. Người dân trong xóm cũng đã có kế hoạch chủ động ứng phó khi có mưa bão. Ông Dương Văn Hòa, Trưởng xóm cho biết: Nằm ven con sông Đu nên tình trạng nhiều hộ dân bị ngập khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra. Nhiều hộ dân trong xóm bị thiệt hại lớn sau cơn mưa, ví dụ như năm 2014, hàng trăm con lợn trong tổng số hơn 2.000 con của gia đình bà Hoàng Thị Hiền đã bị nước cuốn trôi. Chính vì vậy, hiện nay chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con trong xóm cần chủ động các biện pháp nhằm ứng phó kịp thời khi có bão như: di chuyển lương thực, tài sản đến nơi an toàn. Hiện nay, những hộ dân ở ven sông, vùng trũng có nguy cơ bị ngập đã vận chuyển thóc, gạo, ngô… và một số vật dụng cần thiết gửi nhờ ở nhà người thân và các hộ dân trong xóm phòng khi mưa lớn sẽ bị ngập.

 

Theo số liệu thống kê, sau hoàn lưu cơn bão số 3 năm 2014, tổng thiệt hại về tài sản trên địa bàn xã Cổ Lũng trên 13 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Xã Cổ Lũng có địa hình thấp hơn so với một số xã phía Bắc của huyện nên khi có mưa lớn nước dồn về khiến ngập úng cục bộ ở nhiều xóm. Hơn nữa, trên địa bàn xã có sông từ thị trấn Đu chảy về; phía Nam và Tây Nam có con suối bắt nguồn từ đập Phượng Hoàng (Đại Từ) chảy xuống nên việc lũ quét, ngập úng, sạt lở đất dễ xảy ra khi có mưa lớn. Nhằm chủ động phòng ngừa thiệt hại do thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, trước mùa mưa địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra các hồ đập xung yếu trên địa bàn; tiến hành tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, đặc biệt nghiêm cấm người dân đổ rơm rạ xuống lòng kênh mương, đảm bảo khả năng lưu thông dòng chảy, tránh tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài. Xã cũng đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai để kịp thời ứng cứu khi có mưa bão; các trang thiết bị như: cuốc, xẻng, áo phao, phao bơi, bao tải, xe đẩy… cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Với những xóm có nguy cơ ngập úng cao như: Đồng Sang, Nam Sơn, Làng Phan, Đồi Chè, Làng Đông… ngoài công tác chỉ đạo bà con di chuyển tài sản, lương thực đến nơi an toàn, xã cũng tuyên truyền cho bà con cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết, sẵn có như thuyền, can nhựa, cây chuối để cơ động di chuyển trong những tình huống khẩn cấp... Trường hợp mưa to ngập úng trên diện rộng kéo dài, gió xoáy, lũ quét địa phương sẽ báo cáo với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai cấp trên để tăng cường lực lượng ứng cứu nhằm hạn chế thấp nhất những tình huống xấu có thể xảy ra.