Chưa hết những nỗi lo

16:07, 26/06/2015

Chọn thực phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe hiện đang là mối quan tâm của nhiều người dân trên địa bàn huyện Phú Bình, đặc biệt là đối với rau và thịt bởi đây là 2 loại thực phẩm gần như không thể thiếu trong bữa ăn của nỗi gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hải, ở xóm Hân, xã Tân Hòa chia sẻ: Vài năm gần đây, việc đi chợ chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Mỗi lần đến chợ, ngoài việc cân đối chi tiêu, tôi còn phải chọn lựa kỹ càng để mua được loại rau, thịt sạch, ít có nguy cơ chứa tồn dư chất hóa học. Có khi phải đi mấy vòng chợ tôi mới chọn xong thực phẩm mà trong lòng vẫn không hoàn toàn yên tâm về chất lượng.

 

Những băn khoăn, lo lắng của chị Hải cũng là tâm trạng chung của nhiều bà nội trợ mà chúng tôi có dịp trò chuyện khi đi khảo sát tại các chợ trên địa bàn huyện Phú Bình. Nguyên nhân được các chị đưa ra là hàng ngày họ đã phải tiếp nhận quá nhiều thông tin về rau củ ngâm thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, thậm chí là bơm hoặc ủ thuốc trực tiếp để kích thích cho rau tăng trưởng nhanh. Còn thịt động vật thì phần lớn được nuôi bằng cám tăng trọng, thậm chí có những người bán hàng vì lợi nhuận đã sử dụng hóa chất biến thịt thối thành thịt tươi, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng… Một nguyên nhân nữa là khi ra đến chợ, các chị có thể cảm nhận được rất rõ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm bởi tại những chợ nông thôn thì phần lớn hàng hóa được bày bán thiếu quy củ. Thực phẩm tươi sống thường để lẫn lộn với thức ăn chín, những thực phẩm ăn liền như bún, bánh, giò, chả thì không có tủ kính, không được che đậy cẩn thận để ruồi nhặng, vi khuẩn mặc sức tấn công, một số người bán còn dùng tay không để lấy đồ ăn bán cho khách. Bên cạnh đó, tình trạng nước, rác thải ứ đọng quanh chợ, bốc mùi hôi thối làm cho không khí trong chợ bị ô nhiễm, rất mất vệ sinh… Để phần nào giảm bớt nỗi lo về vấn đề mất an toàn thực phẩm, nhiều gia đình đã chủ động trồng rau, chăn nuôi thêm. Chị Lý Thị Bích, ở xóm Làng Cà, xã Tân Khánh cho biết: Bữa cơm hàng ngày của gia đình tôi hầu như không thể thiếu rau, thịt. Để được dùng thực phẩm sạch, tôi có nuôi gà và trồng thêm rau nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của gia đình.

 

Nhằm góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua huyện Phú Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm huyện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, buôn bán thực phẩm trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật An toàn thực phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng cách chọn mua, chế biến, bảo quản và sử dụng rau thịt an toàn. Khuyến khích người mua có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không chấp nhận những loại rau, thịt không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi, thiu… Đặc biệt, hưởng ứng Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2015 với chủ đề  “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, huyện Phú Bình đã triển khai nhiều hoạt động và thu được những kết quả nhất định như: Tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm cho gần 100 lượt người; tổ chức  được 23 lượt thanh, kiểm tra tại 55 cơ sở kinh doanh, buôn bán, chế biến thực phẩm trên địa bàn huyện. Qua đó, đã phát hiện, cảnh cáo và xử phạt hành chính 25 cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với tổng số tiền gần 10 triệu đồng…

 

Trao đổi thêm với chúng tôi về những khó khăn, tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Dương Quang Tuấn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm, Trưởng Phòng Y tế huyện Phú Bình cho biết: Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là việc quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm ở địa phương còn hạn chế. Tình trạng kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra, nhất là đối với những chợ cóc ở các xã vùng sâu, vùng xa. Việc bảo quản thực phẩm tươi sống và thức ăn đã nấu chín vẫn chưa được chú trọng… Bởi vậy, bên cạnh những nỗ lực của ngành chức năng và các cơ sở sản xuất kinh doanh thì mỗi người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể lựa chọn được thực phẩm an toàn cho gia đình. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên chú ý lựa chọn rau theo màu đặc trưng của từng loại và nên mua thực phẩm biết rõ nguồn gốc, ở những nơi có uy tín. Đối với thịt, người mua phải xem dấu kiểm dịch của thú y, chọn thịt có màu hồng tự nhiên, không quá đỏ, thớ thịt săn chắc, thịt tươi khi ấn tay vào có độ đàn hồi tốt, không có mùi hôi hoặc bị rỉ nước…