Con đường mang tên người Anh hùng trẻ tuổi

09:36, 24/06/2015

Tôi cho xe chạy chầm chậm, thư thả ngắm nhìn cảnh vật xung quanh tỉnh lộ ĐT262 (điểm đầu giáp địa phận xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên, điểm cuối giao với đường Cách mạng Tháng Mười, T.P Sông Công).

Đường này mới đây đã được mang tên Anh hùng liệt sĩ: Vũ Xuân - người con anh dũng của Thái Nguyên, được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân tháng 10-2014.

 

Đường Vũ Xuân dài 5,8km chạy giữa vùng quê và khu dân cư của xã Thịnh Đức, xã Bá Xuyên, phường Lương Châu bình yên. Đi trên đường này, tôi luôn ghi nhớ và mãi tự hào về tấm gương sáng ngời lý tưởng cách mạng, một tâm hồn lạc quan, yêu đời, cống hiến cả cuộc đời cho độc lập dân tộc. Đó là chàng trai phơi phới tuổi xuân với tình quê hương tha thiết và tâm thế sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Liệt sĩ Vũ Xuân, sinh ngày 25-4-1946 tại T.P Thái Nguyên. Rời mái trường Lương Ngọc Quyến năm 17 tuổi, anh lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Hơn mười năm trong quân ngũ, Anh đã trải qua bao cuộc hành quân, vượt lên bao bom đạn của kẻ thù với tinh thần quả cảm, anh dũng. Anh hy sinh trong trận tập kích đồn Kênh gò 2 (gò Quao, Kiên Giang) khi mới bước sang tuổi 28 và để lại cuốn nhật ký giúp người đọc cảm nhận đầy đủ sự gấp gáp, gian nan, khốc liệt của cuộc chiến. Trong nhật ký của mình, Anh không nói nhiều về mảnh đất cụ thể Thịnh Đán, Tân Cương, hay Sông Công, song theo lời kể của những người thân của Anh thì liệt sĩ Vũ Xuân đã có 8 năm tuổi thơ gắn bó với vùng Tân Cương, Sông Công từ ngày toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946) đến năm 1954 khi gia đình được Nhà nước chia cho nơi ở, bán hàng tại Chợ Thái Nguyên.

 

Dọc đường Vũ Xuân, tôi bắt gặp nhiều nông dân xóm Ao Cang, xã Bá Xuyên đang nhanh tay thu hái chè. Những cơn mưa rào mùa hạ xối xả và cái nắng hè gay gắt không làm búp chè bớt căng, vẫn vươn mình, xanh thẫm. Ai đi qua đoạn đường nghiêng cánh vòng cung này chắc hẳn cũng như tôi, vít ga chậm lại, để ngắm những rặng tre xanh yên bình và những đồi chè tít tắp trải dài. Chè ở đây được người dân trồng theo quy trình VietGAP, cạnh đường bê tông, hệ thống mương tưới tiêu được đầu tư xây mới. Diện mạo nông thôn mới Bá Xuyên đang thay da, đổi thịt từng ngày. Nhìn vào đó, tôi thấy lâng lâng niềm vui trước sự đổi thay của quê hương, về một xã vốn có xuất phát điểm thấp nhưng người dân đã đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tham gia xây dựng nông thôn và được công nhận xã nông thôn mới vào đầu tháng 6 vừa qua.

 

Ông Vũ Văn Phú, cựu chiến binh xóm La Cảnh, Bá Xuyên nhà ở cạnh đường, nhìn biển tên bồi hồi bảo: Trước đây, đường này là tỉnh lộ 262, nay mang tên người Anh hùng Vũ Xuân có ý nghĩa hơn nhiều. Vũ Xuân là người con anh dũng của quê hương Thái Nguyên đã ngã xuống trong chiến trường ác liệt nhất. Được biết có đường mang tên Anh, không riêng thế hệ cựu chiến binh chúng tôi mà tất thảy người dân đều vui mừng, tự hào. Nhưng nên chăng ngoài gắn biển tên như hiện nay, để mỗi người dân hiểu đầy đủ về ý nghĩa của đường Vũ Xuân thì các nhà chức trách nên có dòng chú thích ngắn gọn về danh nhân, anh hùng được lựa chọn. Đây cũng là cách giáo dục trực quan, hiệu quả cho các thế hệ sau này.

 

Còn em Dương Thị Cúc, đoàn viên xóm Chúc, xã Bá Xuyên xúc động: Khi còn là sinh viên Khoa Sử, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) em đã đọc một số cuốn nhật ký như: “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc; “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Cảm xúc hơn là khi cầm trên tay cuốn nhật ký của người con Thái Nguyên - Liệt sĩ Vũ Xuân với câu nói nổi tiếng “Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”. Thật vinh dự cho quê hương em khi có đường mang tên Anh. Em mong rằng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan thông tấn báo chí cần tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ thêm hiểu về lịch sử, ý nghĩa của con đường này.

 

Suy tư về tên gọi đường Vũ Xuân, lão thành cách mạng Dương Tuấn Phẩm, tổ dân phố 3, phường Lương Châu chia sẻ: Năm nay người dân chúng tôi có rất nhiều niềm vui, tự hào vì Sông Công đã lên Thành phố. Từ trước đến nay, trên địa bàn thành phố cũng đã có nhiều đường: Cách mạng Tháng Tám, Cách mạng Tháng Mười, đường Thắng Lợi, đường Thống Nhất… mang ý nghĩa lịch sử, cũng là đường tương lai mà Bác Hồ mong ước cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cho xã hội, đất nước ngày một mạnh giàu. Tôi tin người dân của Sông Công, Thái Nguyên đi trên đường Vũ Xuân cũng sẽ được tiếp thêm động lực để sống, học tập, lao động, cống hiến nhiều hơn.

 

Chúng tôi tới nhà tìm gặp và trò chuyện cùng người thân của liệt sĩ Vũ Xuân. Trong gian nhà ấm cúng, mọi người ai cũng đều thể hiện niềm vui, sự tự hào khi tuyến đường của T.P trẻ Sông Công nối với T.P Thái Nguyên được mang tên Anh. Ông Vũ Văn Thành, em trai liệt sĩ Vũ Xuân đang sinh sống ở Hà Nội đã trao đổi với tôi qua email: Tôi và gia đình rất xúc động khi nghe tin Kỳ họp HĐND tỉnh tháng 5 vừa qua đã thông qua Đề án đặt tên một số tuyến đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn T.P Sông Công, T.X Phổ Yên, trong đó có tuyến đường nối từ Xã Thịnh Đức về T.P Sông Công mang tên anh tôi - Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân. Điều này cho thấy sự quan tâm cũng như tinh thần trách nhiệm, ý nghĩa của mỗi ủy viên HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng. Việc đặt tên Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Vũ Xuân cho một con đường không chỉ đáp ứng nguyện vọng của đồng đội của anh, những người biết đến anh, mà còn là sự tri ân của của lớp người đi sau về một thế hệ cha, anh, xếp bút nghiên lên đường cứu nước và đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hơn nữa, con đường này cũng rất gắn bó với tuổi thơ của Liệt sĩ Vũ Xuân, âu cũng là cái duyên mà cuộc đời mang lại.

 

Nhiều lần đi trên đường này nhưng hôm nay tôi vẫn thấy cảm xúc. Vừa chạy xe, tôi vừa nghĩ, tin rằng những thế hệ người con của T.P Sông Công nói riêng, Thái Nguyên nói chung sẽ khắc ghi công lao của Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân, luôn nhớ về Anh, người con anh dũng và hứa sẽ cố gắng sống, học tập lao động cống hiến cho quê hương, Tổ quốc như tâm nguyện của Anh: “Tôi chỉ muốn một câu nói được vang bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”.