Giữ an toàn các công trình thủy lợi mùa mưa, bão

09:29, 25/06/2015

Sau 1 tháng thi công, cuối tháng 4 vừa qua, công trình cống Đại Tân nằm trên địa bàn xóm Đại Tân, xã Tiên Phong (Phổ Yên) có tổng kinh phí đầu tư 3 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đang phát huy tác dụng.

Đây là công trình do Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh làm chủ đầu tư. Ông Ngô Văn Tạo, Trạm Trưởng Trạm Khai thác thủy lợi Phổ Yên cho biết: Trước đây, do cống Đại Tân chưa được xây dựng, toàn bộ cánh đồng rộng hơn 100ha ở khu vực này thường bị ngập úng mỗi khi trên địa bàn xuất hiện những đợt mưa kéo dài. Nhưng năm nay, cống được đầu tư xây dựng nên việc tiêu, thoát nước rất kịp thời khi có mưa to. Việc xây dựng cống Đại Tân sẽ góp phần bảo vệ mùa màng cho người dân.

 

Cống Đại Tân chỉ là một trong hàng chục công trình thủy lợi được tỉnh cải tạo, nâng cấp và sửa chữa trước mùa mưa bão năm nay. Theo ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và PTNT), năm nay được dự báo là năm có diễn biến thời tiết bất thường, do đó, việc bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi trên địa bàn đã được đơn vị và các cấp, ngành chức năng rất quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.214 công trình thủy lợi lớn, nhỏ. Trong điều kiện nhiều công trình thủy lợi được xây dựng từ những năm 1960, 1970 đang có chiều hướng xuống cấp như hiện nay, ngoài việc thường xuyên tu sửa, các cấp, ngành chức năng cũng đã quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp, xây mới nhằm nâng cao tuổi thọ công trình cũng như bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành.

 

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa, bão năm nay, ngành Nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ quản tăng cường công tác quản lý an toàn các công trình; tổ chức việc xây dựng và trình duyệt quy trình vận hành điều tiết các hồ chứa và phương án bảo vệ công trình thủy lợi, xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du đập, xác định và cắm mốc giới hành lang  bảo vệ công trình. Ông Bùi Tiến Chính, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTTN cho hay: Ngay sau khi mùa mưa bão năm 2014 kết thúc, ngành Nông nghiệp đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, báo cáo hiện trạng công trình hồ chứa; tăng cường quản lý an toàn đập, tổ chức xây dựng và bổ sung phương án bảo vệ đập, tiến hành sửa chữa những hư hỏng nhỏ, xây dựng phương án sửa chữa, duy tu công trình thủy lợi trước và sau mùa mưa bão; vận hành, điều tiết hồ chứa nước hợp lý để đảm bảo phục vụ sản xuất và an toàn hồ chứa, tuyệt đối không tích nước ở các hồ chứa đã bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao...  Đồng thời yêu cầu các huyện, thành, thị và Công ty TNHH Nhà nước MTV Khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình an toàn công trình thủy lợi, nhất là ở các hồ chứa nhằm phát hiện sớm các sự cố, hư hỏng để xử lý kịp thời; ưu tiên bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình nguy cơ mất an toàn.

 

Đối với các công trình chưa có điều kiện sửa chữa ngay thì bố trí cán bộ có năng lực chỉ huy, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện đảm bảo ứng cứu, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Đối với các đập đất bị xói lở, sạt trượt không đảm bảo mặt cắt thiết kế, các địa phương phải chuẩn bị đủ nhân lực, vật tư để sẵn sàng chống sạt trượt trong mùa mưa lũ. Hiện nay, các địa phương đã chuẩn bị nhân lực, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra đối với các đập đất có hiện tượng rò rỉ nước ở thân đập phía hạ lưu; tiến hành nạo vét bùn đất để đảm bảo đóng mở dễ dàng các cống dưới đê trong mùa mưa bão. Các đơn vị quản lý, vận hành các trạm bơm tiêu tăng cường công tác kiểm tra để khắc phục kịp thời những hư hỏng của thiết bị điện, máy bơm, kênh dẫn và chuẩn bị phương án cấp điện để sẵn sàng vận hành tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn xảy ra.

 

Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng thì để bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi trên địa bàn, các địa phương cũng cần tập trung tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân qua đó nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi cho bà con.

 

Một thực tế là mặc dù hằng năm các công trình trên địa bàn đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng do nguồn kinh phí hạn chế, hiện trạng công trình già cỗi, xuống cấp nên hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay. Do đó, về lâu dài, tỉnh ta nên rà soát quy hoạch hệ thống thủy lợi để có sự đầu tư xây dựng hợp lý, từ đó sẽ góp phần đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn mỗi khi bước vào mùa mưa, bão...