Việc hai địa phương là Phổ Yên và Sông Công chính thức trở thành T.X Phổ Yên và T.P Sông Công không chỉ giúp cải thiện bộ mặt đô thị mà còn nâng dần chất lượng cuộc sống của người dân sở tại.
Sau khi chính thức được nâng cấp đô thị, chắc chắn các địa phương sẽ có thêm nhiều nhiệm vụ phải làm, trong đó đáng lưu ý là việc huy động các nguồn lực đầu tư sao cho tương xứng.
Phổ Yên và Sông Công đều là hai địa phương có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển và nâng tầm đô thị. Cả hai đều nằm ở phía Nam của tỉnh, là đầu mối giao thông, giao lưu kinh tế quan trọng của Thái Nguyên với vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Với Sông Công, lợi thế của thị xã là từ lâu đã được xác định như trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh, đô thị bản lề, trung chuyển kinh tế giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Còn Phổ Yên lại là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Xét về các điều kiện thì cả hai địa phương đều cần được nâng cấp đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh và của cả vùng. So với các huyện, thành khác trong tỉnh, cả Phổ Yên và Sông Công đều đang sở hữu hệ thống kết cấu hạ tầng khá bài bản và hiện đại, trong đó hạ tầng giao thông được xem là ổn nhất với hai tuyến quốc lộ chạy song song gồm Quốc lộ 3 cũ và Quốc lộ 3 mới, chưa kể các tuyến tỉnh lộ, đường nội thị được bố trí với mật độ dày, thuận lợi cho đi lại, giao thương hàng hóa của người dân địa phương. Ngoài ra, các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn của tỉnh đang thu hút một lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khổng lồ cũng tập trung chủ yếu ở hai địa phương này. Các khu đô thị, khu dân cư cũng dần mọc lên do cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, quy mô dân số chuyển dịch mạnh mẽ... Cùng với đó, theo phân tích chuyên môn, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, đô thị của hai địa phương này đã và đang nảy sinh những khó khăn, phức tạp trong công tác lãnh đạo, điều hành của chính quyền đô thị trước đó. Vì vậy, việc nâng cấp đô thị là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Điều quan trọng là việc nâng cấp đô thị Phổ Yên và Sông Công đều phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác của tỉnh.
Để nâng tầm đô thị, hai địa phương nói trên đều xây dựng các phương án, kế hoạch triển khai, trong đó đáng quan tâm chính là phương án huy động nguồn lực đầu tư. Vấn đề đặt ra là trong khi lượng vốn dành cho nâng cấp đô thị lên tới cả nghìn tỷ đồng thì nguồn vốn bố trí từ ngân sách Nhà nước lại hạn chế. Vậy, nguồn lực chủ yếu nào đã và sẽ được huy động? Trao đổi về nội dung này, ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Huyện ủy Phổ Yên chia sẻ: Để hoàn thành 9/9 tiêu chuẩn trở thành thị xã, tổng vốn đầu tư phải lên tới cả nghìn tỷ đồng, trong đó có 2 nguồn huy động chính, một là từ ngân sách (trung ương, địa phương) hai là nguồn xã hội hóa. Do ngân sách hạn hẹp nên vốn của Nhà nước chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là vốn ngoài Nhà nước. Thời gian qua, lượng vốn từ ngân sách huyện chỉ khoảng 50 tỷ đồng dành cho đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị; vốn từ ngân sách tỉnh khoảng mấy trăm tỷ đồng tập trung cho đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông quan trọng. Toàn bộ 80% vốn còn lại được huy động từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và vốn trong dân thông qua các hoạt động hiến đất, đối ứng... Các nhà đầu tư dự án dân cư, đô thị thường bỏ vốn xây dựng hạ tầng sau đó được địa phương đối trừ hoặc sẽ bố trí cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn và đảm bảo lợi nhuận. Chính điều đó đã giúp ngân sách địa phương bớt gánh nặng. Đối với Sông Công, ông Nguyễn Khắc Lâm, Bí thư Thành ủy cho biết: Thị xã thực hiện lộ trình nâng cấp lên thành phố đúng vào thời điểm kinh tế suy thoái, nên đã ảnh hưởng đến các nguồn lực đầu tư hỗ trợ hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, trong khi đó nguồn theo phân cấp thu ngân sách của tỉnh cho thị xã còn hạn chế, vì vậy việc dành kinh phí chi cho xây dựng cơ bản, sự nghiệp đô thị cũng không nhiều. Tuy nhiên, địa phương đã và đang nỗ lực huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ quỹ đất, tiếp tục thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để thu hút các nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Tập trung cải cách cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tỉ trọng chi thường xuyên, tăng dần chi cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, tích cực huy động các nguồn lực từ xã hội hóa...
Việc huy động vốn là bài toán không phải dễ dàng có đáp số ngay được. Tuy nhiên, điều mà hai địa phương trên có được sau khi nâng cấp mới khiến mọi người quan tâm: Đó là hệ thống hạ tầng đô thị được xây dựng khang trang, hiện đại hơn. Điện, đường, trường, trạm và các công trình phục vụ dân sinh khác được cải tạo, xây mới. Cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế xã hội cũng thay đổi, bộ mặt nông thôn được cải thiện, chất lượng cuộc sống của người dân cũng vì thế mà nâng lên. Người dân được hưởng lợi trực tiếp từ các công trình phúc lợi xã hội, hưởng các chính sách phát triển đô thị, được sống trong môi trường và không gian đô thị hiện đại, được định hướng và tìm kiếm việc làm phù hợp với môi trường mới. Các dự án đô thị, dân cư đã và đang tạo cho người dân một môi trường sống lành mạnh, sạch đẹp và văn minh.