Nếu như ở khu vực thành thị, hè là quãng thời gian trẻ em được vui chơi, giải trí sau một năm học bằng các hoạt động phong phú, đa dạng thì với trẻ em ở các xã, bản vùng cao, hè lại là thời gian các em theo cha mẹ lên rừng phụ giúp kiếm củi, tìm rau và các lâm sản để kiếm tiền giúp bố mẹ. Hầu như các xóm, xã không có các hoạt động vui chơi cho các em. Vì vậy, sân chơi cho trẻ em vùng cao vừa thiếu lại vừa yếu.
Đến xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tầm tuổi 10-12 với nước da đen nhẻm, vai mang nặng những chiếc gùi đựng đầy bắp ngô, bó củi hoặc rau rừng. Kể từ ngày được nghỉ hè, ngày nào em Hoàng Văn Khải (12 tuổi, xóm Mỏ Chì) cũng theo bố mẹ lên nương từ tờ mờ sáng. Hạ bó củi to hơn người xuống ven đường, Khải hồn nhiên nói: “Hè năm nào em cũng dành thời gian để giúp bố mẹ, nên không được vui chơi nhiều. Em hy vọng sẽ đỡ đần phần nào vất vả cho bố mẹ, để năm học mới có đủ tiền mua sách, vở cho em tiếp tục đi học”. Ông Ngô Văn Chú, Trưởng xóm Mỏ Chì cho biết: “Mỏ Chì là xóm khó khăn nhất của xã, xóm có 117 hộ với 100% là đồng bào dân tộc Mông và đều thuộc diện nghèo. Đời sống nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, bà con lo ăn còn chưa đủ nói gì đến lo chơi cho lũ trẻ. Trẻ em thì cứ trên 10 tuổi là phải đi theo phụ giúp bố mẹ trong những dịp nghỉ. Nói là 3 tháng nghỉ hè nhưng đây gần như trở thành mùa lao động, phụ giúp kinh tế gia đình của các em”.
Nếu như những ngày này trẻ em nơi phố thị được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các lớp bồi dưỡng năng khiếu, đi du lịch cũng gia đình hay đến các khu vui chơi, giải trí, thì sân chơi trong những ngày hè là điều quá xa xỉ đối với trẻ em vùng cao. Lang thang tại xóm Thượng Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai) giữa trưa hè nắng như đổ lửa, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ mặt mày lem luốc thản nhiên nô đùa giữa lòng đường. Thấy xe máy của người lạ chạy qua, chúng vội vàng kéo nhau nép vào vách núi, mắt ngơ ngác nhìn theo. Thiếu sân chơi bổ ích, phù hợp với lứa tuổi, chúng thường nghĩ ra những trò chơi cho riêng mình. Khi thì leo cây, đào hang, lúc thì rủ nhau đi tắm tại các khe nước… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích cho các em. Anh Đặng Nho Khoa, cán bộ Đoàn phụ trách sinh hoạt hè cho thiếu nhi xóm Thượng Kim chia sẻ: “Vì điều kiện địa hình chia cắt phức tạp, giao thông cách trở, dân cư sống thưa thớt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc tập hợp, duy trì tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở đây rất khó khăn. Mặc dù vậy, trong mỗi buổi sinh hoạt, chúng tôi vẫn cố gắng tổ chức những trò chơi lý thú lồng gắn với việc tuyên truyền cho các em kiến thức về giới tính, an toàn giao thông và pháp luật, phổ biến các kỹ năng an toàn để phòng tránh rủi ro, tai nạn hay bệnh tật…”
Chị Mông Thị Tuyết Nhung, Bí thư Huyện đoàn Võ Nhai cho biết: “Bên cạnh những khó khăn về địa bàn thì lực lượng Đoàn, Đội nơi đây còn “mỏng” cũng khiến việc tập trung, dẫn dắt các em vào hoạt động tập thể gặp nhiều trở ngại. Cộng với những khó khăn về kinh phí nên chỉ có thể tổ chức được một số hoạt động vui chơi cho các em vào các dịp lễ như Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) hay Rằm Trung thu mà thôi. Vào dịp hè, được sự quan tâm, sẻ chia từ các bạn sinh viên tình nguyện các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh, chúng tôi cũng phối hợp tổ chức được một số hoạt động vui chơi cho thiếu nhi ở vài xóm, bản vùng cao. Những hoạt động này tuy còn ít và chưa được đồng đều, nhưng nhìn những khuôn mặt háo hức, rạng rỡ của các em, chúng tôi cảm nhận được rằng đối với trẻ em nơi đây, một sân chơi rộng rãi, an toàn với những trò chơi lành mạnh và bổ ích, phù hợp với lứa tuổi là cả mơ ước, khát khao”.
Việc tạo ra những hoạt động tập thể ngày hè cho trẻ ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số không chỉ là dịp để trẻ nhỏ được vui chơi thỏa thích, mà còn là cơ hội để các em học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và mạnh dạn hơn thông qua các hoạt động tập thể.