Gần 12 năm làm việc tại Báo Thái Nguyên, tôi thấy mình may mắn và tự hào. Tôi đã trải qua nhiều công việc khác nhau, bắt đầu từ quản trị mạng đến kỹ thuật viên dựng hình phi tuyến và rồi trở thành 1 phóng viên.
Sau nhiều năm, tôi có thể tham gia làm việc ở nhiều công đoạn khác nhau trong quy trình xuất bản tác phẩm báo chí tại Tòa soạn. Tháng 9-2003, tôi được ký hợp đồng thử việc tại Báo Thái Nguyên. Đồng chí Tổng Biên tập lúc bấy giờ là Nhà báo Phan Hữu Minh giao cho tôi nhiệm vụ lập trình phần mềm quản lý tin tức và xuất bản báo điện tử trên Internet để thay thế cho phiên bản cũ đang “chạy” trên Intranet của tỉnh, đồng thời tiến tới chính thức đưa báo Thái Nguyên điện tử hòa mạng toàn cầu.
Ngày 13-3-2004, báo Thái Nguyên điện tử chính thức hòa mạng Internet toàn cầu với phần mềm do tôi lập trình và hoàn thiện. Tôi rất vui và tự hào khi mình làm được một việc có ích góp phần vào sự phát triển của Báo Thái Nguyên. Sau phiên bản đầu tiên của phần mềm tôi tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời phiên bản thứ hai vào năm 2005 với nhiều tính năng hơn và giao diện được họa sĩ Thanh Hạnh thiết kế với chất lượng mỹ thuật cao, thân thiện. Phần mềm này đã được báo Thái Nguyên điện tử và báo Bắc Kạn điện tử sử dụng cho tới năm 2008 thì thay thế phiên bản khác. Phiên bản mới này được Ban Biên tập đầu tư hàng trăm triệu để phát triển nên đã phục vụ tốt nhu cầu phát triển của báo Điện tử trong giai đoạn mới. Phần mềm của tôi đã lạc hậu, giờ được lưu lại như một cơ duyên đưa tôi đến với nghề báo.
Trở lại thời điểm năm 2005, lúc này báo Thái Nguyên Điện tử đã có một bước tiến lớn so với những báo điện tử địa phương khác. Ban Biên tập đã chính thức triển khai trang truyền hình Internet và đưa vào thực hiện thường ngày. Lúc này, tôi lại có nhiệm vụ mới là làm công việc của một kỹ thuật viên dựng hình phi tuyến, kỹ thuật viên quản trị báo Điện tử kiêm phóng viên quay phim và đôi khi làm cả nhiệm vụ của phát thanh viên. Những ngày đầu cầm máy quay đi làm nhiệm vụ thật là khó khăn với 1 người “ngoại đạo”. Song tôi đã chịu khó vào mạng Internet tìm hiểu tất cả những thứ gì liên quan đến truyền hình để tự mày mò, học hỏi.
Khi đã dần quen với nhiệm vụ của một phóng viên quay phim thì tôi được chị Ngô Thu Hường (hiện đã chuyển công tác) động viên tập viết tin, viết bài. Có thể nói đây là một lĩnh vực khó khăn nhất đối với tôi từ trước đến giờ. Tôi phải học cách tác nghiệp, cách viết tin theo mô hình “tháp” rồi “tháp ngược” học cách tổ chức thông tin sao cho lô gíc, trích dẫn phỏng vấn sao cho phù hợp, sử dụng hình ảnh sao cho thu hút độc giả, khán giả… Quả là khối lượng công việc lớn đối với một người đến với nghề báo từ một kỹ thuật viên Tin học như tôi. Rất may, được sự giúp đỡ của Ban Biên tập, các anh chị phóng viên đi trước tôi cũng dần thực hiện được một số bài viết.
Năm 2007, Ban Biên tập Báo Thái Nguyên thực hiện loạt phim tài liệu “Hành trình theo nhật ký liệt sĩ Vũ Xuân”. Tôi may mắn được giao quay phim chính và phụ quay cho một số tập phim. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia làm một bộ phim tài liệu dài tập nên cảm thấy rất hồi hộp và phần nào lo lắng. Tuy nhiên, tôi đã nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ phim này, sau khi hoàn thiện đã được phát hình trực tuyến trên báo Thái Nguyên điện tử và phát sóng tại nhiều đài truyền hình trong nước tạo được dấu ấn mạnh mẽ với đông đảo khán giả, đồng nghiệp cả nước.
Cũng trong năm 2007, tôi nhận được niềm vui lớn khi Ban Biên tập đồng ý cho tôi chuyển sang làm phóng viên Phòng Chính trị - Văn xã. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi, từ 1 kỹ thuật viên Tin học tôi đã trở thành phóng viên chuyên nghiệp. Tôi được lãnh đạo phòng tin tưởng giao cho nhiệm vụ tuyên truyền cho 3 ngành là: Y tế, Văn hóa và Thể thao (năm đó ngành Văn hóa và Thể thao chưa sáp nhập). Hơn 1 năm sau, tôi tiếp tục được Ban Biên tập tạo điều kiện để thử thách trong 1 lĩnh vực mới là phụ trách địa bàn, tôi chuyển về làm việc tại Phòng Phóng viên Kinh tế. Công tác lần lượt tại các huyện Phổ Yên, Võ Nhai và T.X Sông Công… Thời gian này đã giúp tôi củng cố thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hiện các tác phẩm báo chí. Gần 2 năm công tác tại Phòng Phóng viên Kinh tế, tôi thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Năm 2012, tôi hoàn thành chương trình học Cử nhân đại học Báo chí. Những kiến thức 5 năm đại học giúp tôi tự tin, vững vàng hơn trong nghề báo. Trong thời điểm hiện tại khi các loại hình báo chí phát triển mạnh mẽ, báo trực tuyến trên Internet có một vị trí quan trọng với khả năng tích hợp đa phương tiện từ báo in, báo ảnh, phát thanh, truyền hình…, nhà báo “n trong 1” có nhiều cơ hội để thể hiện. Tự nhận thấy mình còn phải rèn luyện nhiều để đạt được độ “chín” trong nghề như các anh chị nhà báo đi trước nhưng tôi tự hào mình là một nhà báo “n trong 1” công tác tại tờ báo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.