Nơi người bệnh tim đặt niềm tin

13:22, 13/06/2015

Vừa phải trải qua một cuộc thủ thuật để đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn được 4 ngày, chị Nguyễn Thị Tình, ở Tổ 18, phường Quán Triều, thành phố Thái Nguyên đã nhờ cháu gái đèo xe máy đến Báo Thái Nguyên để xin được cảm ơn trên Báo về tinh thần, thái độ và sự chữa trị tận tình của các bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (ĐKTUTN) nên chị đã thoát được bệnh tình nguy hiểm.

Nước mắt rơm rớm, những giọt mồ hôi còn lăn dài trên má khi vừa đi nắng về, chị kể: Gia cảnh của tôi rất khó khăn và éo le. Tôi đã từng là công nhân của ngành Xây dựng về hưu nhận chế độ một lần từ năm 1990 và ở với mẹ già nay đã hơn 100 tuổi. Để mưu sinh, tôi cũng có làm thêm giò chả để bán, song do mẹ tôi luôn đau yếu và đã nằm liệt giường từ 10 năm nay, nên cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Bản thân tôi bị bệnh tim thường xuyên phải vào viện, cũng đã nghỉ chợ 3 năm nay, cuộc sống chỉ còn trông vào bà con lối xóm đỡ đần. Đáng lẽ với căn bệnh của tôi phải đi bệnh viện kiểm tra định kỳ, song do tiền không có nên tôi đành phó mặc cho số phận. Thời gian gần đây, sức khỏe của tôi quá suy sụp, đau ngực và khó thở nhiều. Tôi vào bệnh viện, các bác sĩ cho biết tôi bị suy tim và rối loạn nhịp tim nặng nên cần phải can thiệp khẩn cấp; nếu chần chừ sẽ nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào. Mặc dù tôi có Bảo hiểm Y tế hộ nghèo nhưng cũng không đủ chi phí cho ca thủ thuật đó. Bởi, bình thường, ca thủ thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn có chi phí ít nhất khoảng 50 triệu đồng, Bảo hiểm y tế chi trả 80%, còn 20% là tôi phải đóng góp. Lúc đó các bác sĩ ở Khoa đã tư vấn cho tôi với chi phí thấp nhất, phù hợp với điều kiện của tôi để phẫu thuật kịp thời. Không chỉ bản thân tôi mà mẹ tôi cũng là người thường xuyên phải vào điều trị tại nhiều khoa ở Bệnh viện, trong đó điều trị nhiều nhất ở Khoa Nội 3, vì mẹ tôi bị mắc rất nhiều bệnh. Mặc dù hoàn cảnh gia đình tôi hết sức nghèo túng, bệnh tật liên miên, nhưng vào đây lần nào cũng được các bác sĩ ở Bệnh viện ĐKTUTN rất tận tình và cứu chữa kịp thời. Không những vậy, tôi thấy các bác sĩ ở đây có tay nghề giỏi lại có lòng hảo tâm, biết thông cảm và chia sẻ, giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi. Qua đây, tôi mong muốn thông qua Báo Đảng của tỉnh,   cảm ơn Lãnh đạo, các bác sĩ ở Bệnh viện ĐKTUTN, đặc biệt là bác sĩ Đặng Văn Minh là người trực tiếp đặt máy tạo nhịp tim cho tôi, nay bệnh tình của tôi đã ổn định. Sau đó, tôi mong  những người nghèo như tôi hãy tin tưởng vào y đức, tay nghề đội ngũ bác sĩ ở đây, không phải tốn kém đi về tận Hà Nội để chữa bệnh.

 

Trên đây chỉ là một trong những bệnh nhân đã từng đến điều trị tại Khoa Tim mạch của Bệnh viện ĐKTUTN. Qua trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng Khoa Tim mạch, tôi đã hiểu phần nào: vì sao chị Nguyễn Thị Tình và nhiều bệnh nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã tin tưởng và đến điều trị tại đây ngày càng đông. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiếu tâm sự: Trước đây, hầu hết các bệnh nhân cần kỹ thuật can thiệp về tim mạch đều phải chuyển về  Hà Nội  nên có những bệnh nhân nặng đi cũng khó cứu sống (vì đường xa, lại hay tắc đường) mà ở cũng khó qua khỏi, nên gây nhiều thiệt thòi cho người bệnh. Nay, số ca bệnh nhân phải chuyển tuyến trên còn rất ít, chủ yếu rơi vào các trường hợp ở Khoa chưa làm được như: tổn thương mạch vành quá phức tạp; các bệnh về động mạch chủ; rối loạn nhịp tim phải thăm dò điện sinh lý và điều trị RF. Năm 2015, kế hoạch giao cho Khoa là 50 giường bệnh nhưng thường xuyên vượt công suất; cao điểm có những lúc phải ghép 3 người một giường mặc dù không đúng với quy định. Song do thực tế bệnh nhân phát sinh nhiều; những người mắc bệnh về tim mạch thường là phức tạp không thể cho ra viện khi chưa ổn định.

 

Để đạt được kết quả trên, trong những năm qua, Ban Giám đốc Bệnh viện đã ưu tiên đầu tư cho Khoa Tim mạch: từ sửa chữa cơ sở vật chất đến trang bị máy móc hỗ trợ điều trị tại Khoa. Hiện nay, Khoa đã có một số thiết bị hiện đại để chẩn đoán và điều trị những trường hợp cấp cứu về tim mạch thường gặp như: chụp và can thiệp động mạch vành (đặt Stent vào động mạch vành); đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và vĩnh viễn; kỹ thuật sốc điện; Holter điện tâm đồ và Holter huyết áp (máy theo dõi điện tim và huyết áp liên tục 24/24 giờ); kỹ thuật chụp và đặt stent động mạch ngoại biên. Chỉ tính riêng năm 2014, đã có gần 250 ca chụp can thiệp động mạch vành; 7 ca đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn;  5 tháng đầu năm 2015, có 120 ca chụp can thiệp động mạch vành và 4 ca đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ không ngừng được đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật chuyên môn sâu bằng cách gửi đi đào tạo tại các cơ sở chuyên khoa sâu trong và ngoài nước. Hiện, Khoa có 12 bác sĩ, trong đó có 5 bác sĩ  biên chế của Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên; vì có sự phối hợp giữa Bệnh viện và nhà trường trong điều trị bệnh nhân); 12 điều dưỡng, 2 hộ lý. Hầu hết các bác sĩ của Khoa đã được đào tạo có trình độ sau đại học. Nhờ có kỹ thuật hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo cơ bản nên Khoa đã xử lý được nhiều trường hợp bệnh nhân nặng. Cách đây 3 tuần, bệnh nhân Nguyễn Thị Chuyên, nguyên là cán bộ Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên nhập viện do nhồi máu cơ tim, vào Khoa Hồi sức cấp cứu tim trong tình trạng rất nặng, đã phải cấp cứu ngừng tuần hoàn, sau đó phải thở máy và dùng các thuốc vận mạch; nếu đưa đi Hà Nội thì nguy cơ tử vong rất cao; cứu chữa tại Bệnh viện thì hy vọng cũng rất thấp. Song, với phương châm “còn nước còn tát”, cùng với sự cấp cứu ban đầu của Khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ của Khoa Tim mạch đã chụp và can thiệp động mạch vành trong tình trạng người bệnh phải thở máy và vẫn đang phải dùng các thuốc để duy trì huyết áp, trong khi chụp động mạch vành người bệnh lại bị ngừng tim, nhưng đã được cấp cứu thành công. Nay bệnh nhân này đã hồi phục, đi lại được.

 

Đi đôi với việc đầu tư thiết bị và nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ y tế, Khoa Tim mạch còn được Bệnh viện chọn làm thí điểm triển khai hoạt động chăm sóc bệnh nhân theo mô hình Đội (gồm bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên thực tập, người nhà bệnh nhân cùng tham gia chăm sóc bệnh nhân) nhằm huy động tối đa các nguồn lực chăm sóc bệnh nhân và giải quyết những vướng mắc kịp thời. Mô hình này được bệnh nhân đánh giá cao và đã được Bệnh viện triển khai rộng ở các Khoa khác. Theo anh Nguyễn Trọng Hiếu: Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục triển khai một số kỹ thuật chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân tim mạch tại Bệnh viện và góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị tại Khoa; phấn đấu đưa Khoa Tim mạch trở thành địa chỉ tin cậy cho những người mắc các bệnh về tim.