Nỗi niềm người biên tập viên

15:38, 19/06/2015

Ngày mới vào nghề báo, mỗi khi thấy biên tập viên tìm gặp là tim tôi đập loạn lên đầy lo lắng, trong đầu đặt ra hàng loạt câu hỏi: Chắc bài viết bị thiếu thông tin hoặc là viết thiếu logic, hay có lỗi nào đó sai ngớ ngẩn...?

Cầm bài viết bị trả lại, tôi lại gầm ghì từng con chữ, nắn nót thêm các ý tưởng mà biên tập viên gợi ý, cặm cụi, cần mẫn... Có những bản thảo, khi viết xong, đọc lại, tôi cảm thấy rất ưng ý. Phấn khởi với thành quả mà mình đã gọt giũa lại, mang xuống nộp lại cho biên tập viên, tôi khá yên tâm với sản phẩm vừa nộp lại lần 2. Nhưng chưa đầy 30 phút sau, lại có tiếng gọi từ Phòng Thư ký - Tòa soạn, lại những bước chân dồn dập chạy xuống gặp biên tập viên. Sau những lời hướng dẫn đầy kiên nhẫn của các anh, các chị, cuối cùng tôi cũng hoàn thành bài viết...

 

Ngày tôi mới vào nghề, công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ, cả cơ quan mới có vài chiếc máy vi tính (chủ yếu để phục vụ bộ phận đánh máy và mi báo) nên mỗi khi bị trả lại bài, tôi phải ngồi cả ngày, viết bài ra nháp, chỉnh sửa cho đến khi thấy ưng ý rồi mới chép lại. Vì thế, một bài viết bị trả lại 3, 4 lần đồng nghĩa với việc bản thảo bài viết đó phải chép đi, chép lại đến cả chục lần. Có những tác phẩm, viết từ đầu tuần, sau nhiều lần sửa chữa, cuối tuần mới được đăng. Khi sản phẩm được lên báo thì các ngón tay của tôi đã phồng rộp, đỏ tấy...

 

Thuở mới vào nghề ấy, tôi vẫn luôn nhớ những lời nhắc nhở nghiêm khắc của các anh, chị biên tập viên. Các cụ nói “đòn đau nhớ đời” nên càng bị các anh, chị nhắc nhở gay gắt, tôi càng nhớ lâu và không bao giờ mắc phải các lỗi đã gặp. Sau một thời gian ngắn, khi đã biết cách xử lý thông tin và thể hiện tác phẩm báo chí, tôi không còn bị trả lại bài nữa nhưng cứ mỗi khi bài báo của mình được đăng tải là tôi lại đọc kỹ từng câu, từng chữ, so sánh với bản thảo của mình để rút kinh nghiệm. Có lẽ, sự tỉ mẩn ấy cũng là một trong những bí quyết giúp tôi tiến bộ vượt bậc trong nghề báo.

 

Tôi luôn nỗ lực học hỏi đồng nghiệp đi trước, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để trở thành một phóng viên có nghề, nhưng không bao giờ dám mơ ước mình sẽ được trở thành một biên tập viên. Để được ngồi ở vị trí này, ngoài kiến thức thì người biên tập phải có cái nhìn nhạy bén, biết cách nâng tầm bài báo cho phóng viên... Vậy mà chỉ sau hơn 4 năm vào nghề (cuối năm 2004), tôi đã được Ban Biên tập tin tưởng luân chuyển từ bộ phận phóng viên về làm biên tập viên. Được giao nhiệm vụ mới, vinh dự đấy nhưng cũng thấy rất lo lắng bởi thời điểm tôi về làm biên tập viên, trong đội ngũ phóng viên có rất nhiều nhà báo đã công tác tại Báo Thái Nguyên nhiều năm. Họ vừa có uy tín, vừa giỏi nghiệp vụ, nếu biên tập bài viết của họ không chuẩn thì chắc chắn sẽ gặp nhiều phản ứng trái chiều... Không gì khác hơn là phải tự học, tự rèn luyện. Gặp những tình huống khó, tôi lại mang bài viết của phóng viên tham khảo ý kiến của đồng chí Vũ Liêu (lúc đó là Phó Tổng biên tập) và đồng chí Liêu Chiến (khi ấy là Thư ký Tòa soạn). Qua những lần tham khảo ý kiến ấy, tôi học được rất nhiều ở các đàn anh, đàn chị để ngày càng thực hiện tốt hơn công việc được giao.

 

Thời gian thấm thoát trôi, cuối năm 2009, tôi được điều chuyển về bộ phận phóng viên sau 5 năm làm công việc của người “nhặt sạn” và đến đầu năm 2015, tôi tiếp tục quay trở lại công việc của người biên tập viên. Đây là thời điểm đội ngũ phóng viên của Tòa soạn đang được trẻ hóa nên công việc của mỗi biên tập viên vất vả hơn rất nhiều so với 10 năm trước bởi đa phần các bạn trẻ đang thiếu kiến thức thực tế, thiếu kinh nghiệp xử lý thông tin và thể hiện tác phẩm. Trao đi, đổi lại, có những bài viết phải sửa lại đến 5, 6 lần mới có thể đăng báo. Thậm chí có những tác phẩm không thể sử dụng được vì các bạn lấy tư liệu bị thiếu... Tôi đã yêu cầu phóng viên sửa bài, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của biên tập viên rất quyết liệt. Tôi không biết, sự quyết liệt ấy của tôi có làm những bạn phóng viên trẻ khó chịu, nhưng trong tâm, tôi thấy vô cùng thanh thản bởi mỗi ý kiến đóng góp tôi đưa ra đều là từ sự trăn trở, kinh nghiệm có được sau gần 16 năm lăn lộn với nghề báo.

 

Với các biên tập viên, viết bài cho mình sẽ đơn giản hơn việc sửa bài cho người khác rất nhiều. Vậy nhưng ngày ngày, tôi cần mẫn “nhặt sạn” trong từng trang viết của các bạn đồng nghiệp, sửa từng lỗi chính tả, lỗi câu, lỗi kiến thức và thậm chí là cả lỗi chính trị. Mục đích cuối cùng của việc sửa chữa, gạch xóa ấy là để tác phẩm của các đồng nghiệp khi đến tay độc giả có chất lượng hơn, từ đó uy tín của tờ báo cũng như uy tín của chính các bạn sẽ được nâng lên. Mong rằng sự trải lòng của tôi sẽ giúp các bạn hiểu, khi biên tập viên yêu cầu phóng viên sửa bài không phải vì chúng tôi ghét các bạn mà là chúng tôi đang cố gắng làm tốt phần việc của mình vì mục đích chung của tờ báo, của Tòa soạn...