Những năm qua, sự phát triển của kinh tế trang trại (KTTT) đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ nông dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.
Tính đến thời điểm 1-10-2013, Thái Nguyên chỉ còn trang trại chăn nuôi là đạt tiêu chí trang trại mới (giá trị hàng hóa trong năm đạt 1 tỷ đồng trở lên). Ngành chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh nhờ trang trại chăn nuôi phát triển mạnh.
Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành trong cả nước có số lượng trang trại chăn nuôi (TTCN) lớn. Có những trang trại có quy mô 16 nghìn con gà/lứa; 10 nghìn con gà đẻ trứng; 4.000 con lợn thịt; 150 con lợn nái. Các TTCN tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Lương, T.X Sông Công. Tính đến nay, toàn tỉnh có 548 TTCN, trong đó có 173 TTCN theo mô hình gia công cho công ty và 375 TTCN theo mô hình gia đình. Tăng 103 trang trại so với năm 2013. Bình quân mỗi trang trại có 107 con lợn và 2,5 nghìn con gia cầm. Các trang trại sử dụng từ 2 đến 3 lao động thường xuyên, chủ yếu là người trong gia đình và lao động địa phương. KTTT trên địa bàn tỉnh phát triển, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dần đưa sản xuất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ, tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn hơn và gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân.
Theo thống kê hầu hết các trang trại chăn nuôi lợn hiện nay trên địa bàn tỉnh nuôi lợn nái hậu bị cho các công ty CP, Dafaco… Chăn nuôi lợn của trang trại đa số là giống lợn ngoại siêu thịt, có giá thành chất lượng con giống, sản lượng thịt mang lại giá trị kinh tế cao hơn giống lợn của địa phương. TTCN gà cũng giữ ổn định và phát triển hơn các TTCN lợn. Các trang trại gà không chỉ nuôi gà thịt mà nuôi gà đẻ trứng. Một số trang trại nuôi gà đẻ trứng, nuôi gà hướng thịt, gà bố mẹ cho các công ty chăn nuôi với số lượng đàn đạt từ 4.000-6.000 con/lứa. Các trang trại gà phong phú về hình thức nuôi và chủng loại cho thấy, gà cũng là hướng quan tâm phát triển của các trang trại và nhu cầu của thị trường… Sản phẩm chăn nuôi chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, Hà Nội và một số tỉnh khác.
Chúng tôi đến trang trại của gia đình chị Vũ Thị Hường, ở tổ 2, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên). Chị Hường cho biết: “Ngoài 50 con lợn nái sinh sản, trong chuồng của gia đình tôi luôn có khoảng 400 con lợn thịt. Năm 2014, gia đình tôi xuất bán trên 100 tấn lợn hơi. Tuy nhiên, giá thịt lợn mấy năm gần đây giảm, giá từ đầu năm đến nay cũng xuống thấp nên người chăn nuôi gặp khá nhiều khó khăn. May là chúng tôi có kinh nghiệm chăn nuôi nên trang trại giữ được ở mức ổn định…”.
Vấn đề giá cả thị trường là mối lo của chị Hường và tất cả các chủ TTCN khác trên địa bàn.Trong khoảng vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra dịch bệnh, nhưng người chăn nuôi vẫn lo ngại bởi giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất ngày càng tăng cao trong khi giá sản phẩm xuất bán lại thấp, gây khó khăn trong việc đầu tư phát triển kinh doanh của các trang trại. Cùng với đó là tình trạng thiếu vốn khá phổ biến, nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn nên các chủ trang trại chưa đủ sức đầu tư chiều sâu.
Mặc dù còn khó khăn song các TTCN trên địa bàn cũng đã góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ước tổng doanh thu loại hình KTTT năm 2014 là 1.300,4 tỷ đồng (giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh đạt 3.463 tỷ đồng); doanh thu bình quân của mỗi trang trại là 2,4 tỷ đồng. Nhóm trang trại có giá trị sản lượng hàng hóa bình quân cao từ 3-4 tỷ đồng chủ yếu là các TTCN gia công. Bà Lê Thị Thanh Tân, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) nhận định: Các TTCN trên địa bàn hiện đang phát triển ổn định. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thông tin về thị trường và tổ chức sản xuất của các chủ trang trại còn hạn chế; thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. các địa phương chưa có quy hoạch vùng nhằm quản lý chặt chẽ dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái.
Để TTCN phát triển, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển tạo điều kiện về nguồn vốn vay cho các chủ TTCN đầu tư chiều sâu; quy hoạch vùng chăn nuôi gắn liền với hỗ trợ đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực tổ chức quản lý cho các chủ trang trại….