Vững bước trên đường phát triển và đổi mới

15:42, 30/06/2015

Trải qua 30 năm xây dựng, phát triển và thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Hỷ đã không ngừng phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có một diện mạo mới.

Khi chuyển về địa giới hành chính mới vào năm 1985, Đồng Hỷ có 20 xã, thị trấn (trong đó có 4 xã của huyện Võ Nhai: Tân Long, Văn Lăng, Quang Sơn, Hòa Bình). Cơ sở vật chất của huyện gần như chưa có gì. Hệ thống trường học, trạm y tế chủ yếu là phòng tranh tre và rất thiếu, giao thông gặp nhiều khó khăn. Là huyện thuần nông nhưng sản xuất nông nghiệp lại manh mún và lạc hậu, độc canh cây lúa là chủ yếu, hệ thống thủy lợi chưa phát triển, canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên. Tổng sản lượng lương thực chỉ đạt 14,7 nghìn tấn. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm từ 30 đến 40%, 15 đến 20% là hộ đói, tập trung nhiều nhất ở các xã vùng cao, vùng xa.

 

Trải qua 30 năm liên tục phấn đấu và thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, huyện Đồng Hỷ đã có một diện mạo mới về kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng của huyện đạt 50,12%; dịch vụ đạt 29,28%; nông, lâm nghiệp, thủy sản còn 20,6%. Thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách đạt 100 tỷ đồng/năm. Trong đó, ngành nông nghiệp đã phát triển đúng hướng và vững chắc. Các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất và công tác khuyến nông, chuyển giao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao. Cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ. Cơ cấu mùa vụ, cây trồng chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị trên một đơn vị diện tích; từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung như: Sản xuất lương thực, trồng rau, hoa và vùng chè chất lượng cao… Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt đạt 93 triệu đồng/ha; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 44 nghìn tấn; cây chè tiếp tục phát huy thế mạnh là cây mũi nhọn, với diện tích… ha, sản lượng mỗi năm đạt… Ngành chăn nuôi dịch chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đến nay trên địa bàn huyện có 75 trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp.

 

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp đã có bước tiến đáng kể, nhiều ngành nghề có thế mạnh được quan tâm đầu tư như: Khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến gỗ… Huyện đã quy hoạch các cụm công nghiệp nhỏ, định hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm sản dịch vụ - thương mại cho từng vùng. 5 năm trở lại đây, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm tăng 20,6%; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương tăng 14,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 3 nghìn tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 230 doanh nghiệp, 15 làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động.

 

Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, thực hiện. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, tất cả các xã, thị trấn đều có điện lưới quốc gia; huyện đã hoàn thành quy hoạch khu hành chính mới; quy hoạch nông thôn mới; các khu đô thị, khu dân cư gắn với quy hoạch xây dựng các trung tâm xã, thị trấn. Trong 5 năm vừa qua, huyện đã huy động các nguồn vốn với gần 3 nghìn tỷ đồng để dầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Từ đó đã triển khai thực hiện được 22 dự án về giao thông, nâng cấp các tuyến đường trọng yếu như: Đường đô thị Trại Cau; đường Linh Nham - Khe Mo - Đèo Nhâu; đường từ cầu treo Vân Khánh đi Bản Tèn, xã Văn Lăng; hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp…

 

Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Trong đó, giáo dục và đào tạo có bước phát triển toàn diện. Hệ thống trường lớp tiếp tục được quy hoạch và đầu tư xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia. Toàn huyện có 68 trường học từ mầm non đến THPT cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong huyện. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 82,54%. Hệ thống trạm y tế và Trung tâm y tế huyện đảm bảo khám chữa bệnh cho nhân dân và làm tốt công tác y tế dự phòng. Mỗi năm huyện giải quyết việc làm cho trên 2 nghìn lao động, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,32%… Quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ đánh giá: Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng, có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự phấn đấu không mệt mỏi của nhân dân và các dân tộc, huyện Đồng Hỷ ngày càng đổi mới, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, đời sống về vật chất và tình thần của nhân dân ngày càng nâng lên… Kế thừa và phát huy thành tích đã đạt được, huyện Đồng Hỷ quyết tâm tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng huyện Đồng Hỷ phát triển toàn diện và bền vững.