Cầu đã sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu

14:47, 02/07/2015

Mặc dù đã đưa vào sử dụng và thu phí từ năm 2010, nhưng đến nay, cầu treo xã Đồng Liên (Phú Bình) vẫn chưa được nghiệm thu và ký hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Thực tế này khiến người dân và chính quyền cấp xã không tránh khỏi những băn khoăn và cả những lo lắng về sự an toàn khi đi qua cầu…


Trước đây, người dân xã Đồng Liên và nhiều xã khác trên địa bàn huyện Phú Bình muốn sang bên kia sông để buôn bán, trao đổi với các phường, xã phía Nam của T.P Thái Nguyên thì phải đi xa tới hàng chục km (theo hình vòng thúng), còn muốn gần thì phải đi qua cây cầu tre rộng chừng 1 mét, rất nguy hiểm. Năm nào cũng thế, vào mùa nước lên, cây cầu lại bị cuốn trôi, người và xe muốn qua sông lại chông chênh, đánh cược với số phận trên những con thuyền không đảm bảo an toàn và phải trả một khoản phí không rẻ. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân 2 bên sông, đặc biệt là người dân huyện Phú Bình. Từ thực tế này, năm 2009, UBND huyện Phú Bình đã có chủ trương mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cầu treo theo hình thức BOT (hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình trong thời hạn nhất định, hết thời hạn nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình cho Nhà nước) nhưng chỉ có Công ty cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên nhận lời. Ngày 18-5-2009, UBND tỉnh đã có công văn số 695/UBND-XDKD về việc đồng ý chủ trương cho Công ty CP Bia và nước giải khát Thái Nguyên xây dựng cầu treo tại xã Đồng Liên theo hình thức đầu tư này, quy mô thiết kế với tải trọng xe nhỏ dưới 3,5 tấn (một xe trên cầu).


Sau gần 1 năm thi công, cuối năm 2010, Công trình đã được hoàn thành và thông xe trong sự vui mừng của người dân, đặc biệt là các hộ dân xóm Xuân Đám (xóm ở đầu cầu). Công trình hoàn thành đúng tiến độ, Công ty cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên đã được UBND huyện Phú Bình khen thưởng. Từ ngày có cầu treo, không chỉ có xe đạp, xe máy mà cả ô tô có tải trọng dưới 3,5 tấn cũng đã có thể qua sông. Ngay sau khi công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng, để sớm bù đắp lại phần chi phí đã đầu tư lên tới hơn 10 tỷ đồng, chủ đầu tư đã thực hiện ngay việc thu phí. Lúc này, ngày 21-12-2010, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 2209/UBND-SXKD đồng ý ủy quyền cho UBND huyện Phú Bình tiến hành các thủ tục, ký kết và thực hiện hợp đồng BOT dự án Cầu treo Đồng Liên theo quy định hiện hành. Thế nhưng đến nay hợp đồng vẫn chưa được ký kết.
Thủ tục chưa hoàn thiện do thiếu kinh nghiệm.


Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Sau khi được Công ty cổ phần Bia và nước giải khát Thái Nguyên nhận lời đầu tư cầu treo, phần vì chưa có kinh nghiệm trong thu hút đầu tư theo hình thức BOT, phần muốn tạo mọi điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nên UBND huyện cũng không yêu cầu Công ty phải thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, trước yêu cầu phải ký hợp đồng BOT để xác định thời gian thu phí, cả UBND huyện Phú Bình và chủ đầu tư mới phát hiện 2 bên đã bỏ qua hầu hết các thủ tục (Chủ đầu tư chưa trình UBND tỉnh, Sở Tài chính thẩm định phương án tài chính của Dự án; chưa nghiệm thu và tiến hành thanh quyết toán công trình). Vì thế, ngày 26-3-2014, huyện Phú Bình đã có buổi làm việc với với nhà đầu tư và Sở Giao thông - Vận tải. Theo đó, Công ty CP Bia và nước giải khát Thái Nguyên được yêu cầu phải hoàn thiện các thủ tục để ký hợp đồng BOT, thời gian chậm nhất chủ đầu tư phải hoàn thiện là trước ngày 30-6.


Tuy nhiên, đến nay, Công ty vẫn chưa làm xong các thủ tục do thời gian qua, Công ty dồn lực cho việc xây mới cầu treo Hà Châu (cũng của huyện Phú Bình). Ông Vũ Đình Song Phó Giám đốc Công ty bia và nước giải khát Thái Nguyên cho biết: Hiện, Công ty đã bắt đầu triển khai các bước, trong đó đang làm thủ tục kiểm toán để xác định tổng mức đầu tư công trình. Tuy nhiên, do các thủ tục đều thực hiện sau nên Công ty gặp nhiều phát sinh trong quá trình hoàn thiện thủ tục. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các sở, ngành và UBND huyện Phú Bình. Ông Vũ Đình Song cũng khẳng định, trong thời gian tới, Công ty sẽ bán vé tháng theo đúng quy định của HĐND tỉnh cho những người có nhu cầu đi lại trên cầu.


Việc một Công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng để làm cầu treo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương vốn còn nhiều khó khăn như Phú Bình là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên cầu, cũng như các quyền lợi khác của người dân và của chính chủ đầu tư, thì việc phải hoàn thiện các thủ tục theo quy định là điều không thể thiếu và cũng không nên chậm trễ thêm. Thực tế này đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc, giúp đỡ của các sở, ngành. Hy vọng, đây sẽ là bài học rút kinh nghiệm đối với huyện Phú Bình cũng như các địa phương khác trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng các công trình công cộng theo hình thức BOT… để tránh những thắc mắc không đáng có trong nhân dân và cũng để không gặp phải những khó khăn trong quá trình hoàn thiện thủ tục của chủ đầu tư và chính quyền địa phương.