Huyện Định Hóa hiện có 142 công trình thủy lợi, trong đó có 6 hồ chứa, 11 đập dâng do tỉnh quản lý và 23 hồ chứa, 92 đập dâng, 12 trạm bơm do huyện, xã quản lý.
Những năm qua, công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão luôn được UBND huyện và Trạm Khai thác thủy lợi Định Hóa chú trọng...
Trong số các hồ chứa nước, hồ Bảo Linh được đánh giá là công trình thủy lợi lớn, quan trọng nhất của huyện. Công trình này được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1992, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho khoảng 800 đến 920ha lúa, cây màu của 11 xã trong huyện. Bởi vậy, bảo vệ an toàn cho hồ Bảo Linh là nhiệm vụ được Trạm Khai thác thủy lợi Định Hóa đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Trạm đều tham mưu cho UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT và TKCN) riêng cho hồ Bảo Linh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Năm nay, hồ Bảo Linh được trang bị 4.980 chiếc bao tải, 4 đầm gang, 80 cuốc bàn, 10 xà beng, 60 xẻng, 10 phao cứu sinh, 2 xe cải tiến, 1 máy phát điện... Ngoài số vật tư trên, BCH PCTT và TKCN các xã, thị trấn khu vực hồ Bảo Linh còn bố trí thêm vật tư cho đội xung kích ứng cứu công trình của từng xã, thị trấn khi có lệnh huy động ứng cứu. Sau hồ Bảo Linh, hồ Nà Tấc cũng là công trình chứa nước lớn thứ 2 trên địa bàn huyện. Công trình được Nhà Nước đầu tư xây dựng và đưa vào quản lý, khai thác, sử dụng từ đầu năm 2005. Hồ có nhiệm vụ tích trữ nước, điều tiết nước tưới cho hơn 140ha lúa, hoa màu của 2 xã Lam Vỹ và Tân Thịnh. Ngay từ đầu năm, Trạm Khai thác thủy lợi Định Hóa cũng đã xây dựng Phương án phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai cho công trình. Đồng chí Mông Đình Cường, Chủ tịch UBND, Trưởng BCH PCTT và TKCN xã Lam Vỹ cho biết: Hiện nay, lực lượng xung kích phòng chống lụt, bão của công trình hồ Nà Tấc gồm 80 người. Chúng tôi còn phối hợp với Trạm Khai thác thủy lợi Định Hoá, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đi kiểm tra công trình, đo mực nước, cử lực lượng tuần tra, canh gác trong mùa mưa bão, đặc biệt là những ngày có mưa lũ lớn. Khi mực nước trong hồ dâng đến báo động cấp 2, chúng tôi sẽ huy động lực lượng, vật tư sẵn sàng ứng cứu công trình và sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cùng với 2 công trình trên, các hồ chứa nước lớn khác trên địa bàn huyện như: Đèo Bụt (xã Phượng Tiến), Làng Gầy (xã Phúc Chu), Bản Piềng, Bó Vàng (xã Thanh Định) cũng đã có phương án phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và phương án xử lý các tình huống kỹ thuật khi xảy ra sự cố riêng. Song song với đó, ngay từ đầu năm, Trạm Khai thác thủy lợi và UBND huyện Định Hóa đã chỉ đạo kiểm tra lại toàn bộ các công trình thủy lợi để nắm bắt hiện trạng và đề xuất công tác quản lý, bảo vệ. Ông Ma Văn Toán, Trạm trưởng Trạm Khai thác thủy lợi Định Hóa cho biết thêm: Chúng tôi đã xây dựng lịch trực phòng chống lụt bão 24/24h tại Văn phòng Trạm, các cụm khai thác thủy lợi trực trong suốt mùa mưa lũ. Đồng thời, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cho thành viên phụ trách từng công trình và khu vực. Trạm còn kết hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn có công trình để cùng xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho từng công trình. Đối với một số sự cố thường xảy ra ở các công trình như: nước tràn qua đỉnh đập; nứt sạt trượt mái hạ lưu đập, mạch đùn, mạch sủi, bãi sủi, giếng phụt ở chân đập hạ lưu; lỗ rò, thấm mái đập hạ lưu..., Trạm đã lập phương án xử lý tình huống chi tiết và hướng dẫn cụ thể biện pháp xử lý cho cán bộ, người lao động trực tiếp làm công tác quản lý tại công trình.
Hằng năm, từ nhiều nguồn vốn đầu tư, một số công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã được nâng cấp, cải tạo nên đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa lũ. Đơn cử như cuối năm 2014, UBND huyện Định Hóa đã tập trung các nguồn vốn như: kinh phí hỗ trợ phát triển đất trồng lúa, thủy lợi phí năm 2014, kinh phí hỗ trợ khắc phục hạn hán vụ xuân năm 2014... để sửa chữa, nâng cấp 3 đập nước, 3 tuyến kênh mương và 1 trạm bơm nước với tổng kinh phí trên 4,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, huyện vẫn còn một số công trình thủy lợi đã xuống cấp chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Một số đập dâng do nhân dân tự đắp bằng đất, đá bị sạt lở, hư hỏng nặng qua mỗi mùa mưa bão như: Đập Suối Phầy (Kim Sơn), đập Na Vậy (Bộc Nhiêu), đập Co Lộc (Định Biên), đập Khuân Hấu (Trung Lương), đập Khuổi Nhằn (Lam Vỹ). Đối với những công trình này, huyện đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, khảo sát thực tế và sẽ xây dựng kế hoạch hoặc đề xuất với tỉnh nguồn kinh phí để nâng cấp. Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa chia sẻ: Ngay từ đầu năm, huyện đã đi kiểm tra thực tế hiện trạng các công trình thủy lợi trên địa bàn và đã quyết định sẽ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 6 đập dâng ở các xã: Phượng Tiến, Quy Kỳ, Định Biên, Phú Đình, Phúc Chu và Kim Sơn...
Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị tích cực về nhân lực, vật lực cùng với các phương án phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai của Trạm Khai thác thủy lợi, BCH PCTT và TKCN từ huyện đến xã, thị trấn, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Định Hóa sẽ được bảo vệ an toàn trong mùa mưa bão năm nay.