Đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp hiệu quả

17:35, 22/07/2015

Ngày 22-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khoa giáo trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, giai đoạn 2015-2020" (ảnh).  Đã có 14 tham luận của đại diện các ngành trong khối Khoa giáo, Ban Tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc tỉnh gửi tới Hội thảo. Mục đích của Hội thảo nhằm làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn về công tác khoa giáo ở các địa phương, đơn vị hiện nay; đánh giá tình hình tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2010-2015, từ đó thống nhất về nội dung và giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khoa giáo. Báo Thái Nguyên lược ghi một số tham luận, thảo luận tại Hội thảo.

* Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác khoa giáo


Đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Thực tế cho thấy, thời gian qua, hiệu quả của công tác khoa giáo (KG) còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của cấp uỷ, chính quyền và chức năng nhiệm vụ được giao. Ngoài nguyên nhân khách quan, như: Đây là công việc khó của công tác tuyên giáo (TG); tổ chức bộ máy, cán bộ còn thiếu, chưa đồng bộ, thiếu cơ chế chính sách phối hợp... thì nguyên nhân chủ quan là chính.


Đó là, nhận thức về công tác KG nói chung, về vai trò, vị trí công tác KG trong hệ thống công tác TG của một số cấp uỷ, chính quyền, cán bộ các ngành trong khối KG chưa đầy đủ, chưa ngang tầm với yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay; đội ngũ cán bộ làm công tác KG các cấp vừa thiếu lại vừa yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là kinh nghiệm trong công tác, một số cán bộ thiếu nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác; sự phối kết hợp của ban TG các cấp, nhất là cấp huyện với các đơn vị trong khối KG chưa đồng bộ, chặt chẽ...


Từ thực tế đó, tôi đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác KG thời gian tới. Một là, tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp về công tác KG. Hai là, quy hoạch, đào tạo, nâng cao năng lực và trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác KG nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ba là, tiếp tục đổi mới cách thức làm công tác KG, trọng tâm là hoàn thiện, xây dựng quy chế phối hợp giữa ban TG với các đơn vị trong khối KG, khắc phục các hạn chế còn tồn tại nêu trên. Bốn là, đề nghị cấp uỷ, chính quyền và Đảng, Nhà nước quan tâm, có cơ chế, chính sách, chế độ cho cán bộ làm công tác KG. 


* Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành


Đồng chí Nguyễn Vi Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế


Hiện nay, ngành Y tế của tỉnh đang đứng trước một số khó khăn: Thiếu 226 bác sĩ, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thốn; việc quán triệt và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử, rèn luyện ý đức thầy thuốc tại một số đơn vị chưa được thường xuyên; Đảng bộ Sở Y tế không phải là Đảng bộ ngành, nhiều đơn vị trực thuộc Sở nhưng không thuộc Đảng bộ nên việc chỉ đạo, triển khai công tác chuyên môn gặp khó. Để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Đảng ủy Sở Y tế và ngành Y tế đã xác định phương hướng, nhiệm vụ của ngành giai đoạn tới. Trong đó có việc quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức ngành Y tế, giáo dục nâng cao y đức từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng chính sách thu hút và đãi ngộ đối với bác sĩ công tác tại tuyến cơ sở, tăng phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản, tổ dân phố; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại địa phương, chú trọng đào tạo đội ngũ bác sĩ giỏi, chuyên sâu, khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ hiện nay.


* Cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành trong khối Khoa giáo


Đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên


Công tác KG luôn được Báo Đảng tỉnh coi trọng tuyên truyền, lồng ghép vào các nội dung, chuyên trang, chuyên mục. Tôi rất đồng tình với những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KG trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Ban Tổ chức Hội thảo đưa ra. Vấn đề là cách làm, cách phối hợp giữa các ngành trong khối KG với cơ quan tham mưu là Ban Tuyên giáo các cấp. Để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực KG, Ban Biên tập Báo Thái Nguyên rất mong sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành trong khối KG trên địa bàn tỉnh để Báo Đảng tỉnh tuyên truyền đúng, trúng, kịp thời hơn những lĩnh vực KG mà các tầng lớp nhân dân đang quan tâm.


* Thái Nguyên là 1 trong 21 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non


Đồng chí Nguyễn Mạnh Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo


Để làm tốt công tác phổ cập giáo dục, ngành đã tham mưu tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ, giáo viên các cấp, tăng cường đôn đốc kiểm tra, sơ kết, tổng kết theo kế hoạch đã được xây dựng; tham mưu ra quyết định thành lập các đoàn của tỉnh đi kiểm tra công nhận tại các huyện theo tiêu chí của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đến tháng 6-2014, Thái Nguyên là tỉnh thứ 21 trên toàn quốc được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến tháng 12-2014, tỉnh được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và là tỉnh thứ 9 trong toàn quốc đạt chuẩn. Để đạt được kết quả đó, là do sự tham mưu đắc lực của ngành Giáo dục - Đào tạo với các cấp, sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội; nhất là cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí và có sự ủng hộ đầy trách nhiệm của nhân dân.


* Cán bộ, công chức cần được cập nhật kiến thức mới


Đồng chí Phạm Quốc Chính, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ


Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp tham mưu, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của TW, tỉnh đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ (KHCN) trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ xác định thực hiện tốt 5 giải pháp. Một là, chủ động tham mưu với lãnh đạo các cấp trong lĩnh vực KHCN phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, có kiểm tra đánh giá để điều chỉnh kịp thời. Hai là, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chung cho hoạt động tham mưu của các đơn vị và đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua của các khối, cụm thi đua. Ba là, chủ động, tích cực hơn nữa trong phối hợp tham mưu, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của TW, tỉnh đối với lĩnh vực KHCN. Bốn là, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trong phòng làm việc, tiết kiệm chi hành chính để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, tạo động lực cho cán bộ, công chức hăng say lao động. Năm là, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức để họ luôn cập nhật kiến thức mới, bổ trợ tốt hơn cho quá trình thực thi công vụ.


* Phương pháp hay mang lại hiệu quả thiết thực


Đồng chí Hoàng Duy Hưng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lương


Thời gian qua, công tác KG trên địa bàn huyện được coi trọng. Để tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện, huyện đã tập huấn về công tác KG cho các cán bộ làm công tác tuyên giáo ở các đảng bộ xã, thị trấn và phó, trưởng các ngành thuộc khối KG. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành quy chế hoạt động, mối quan hệ công tác giữa Ban Tuyên giáo với các ngành, đơn vị trong khối KG. Ban Tuyên giáo cũng xây dựng kế hoạch giao ban với các đơn vị trong khối mỗi năm 2 lần. Để giao ban thu kết quả tốt, Ban Tuyên giáo gợi ý cho các đơn vị có ý kiến tập trung tại hội nghị. Cũng qua đó, Ban TG Huyện ủy nắm bắt được tình hình, phối hợp triển khai, thực hiện nhiệm vụ công tác KG. Ban TG còn chủ động phối hợp với các ngành KG khác trong việc sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Ban đã xây dựng đề cương cụ thể, hướng dẫn các đơn vị, địa phương những nội dung cần tập trung đánh giá tổng kết, đôn đốc thực hiện đúng thời gian quy định.


* Tích cực dạy nghề và xóa đói, giảm nghèo cho phụ nữ


Đồng chí Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh


Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp triển khai công tác KG gắn với thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động và 6 nhiệm vụ công tác Hội. Riêng về dạy nghề và xóa đói, giảm nghèo cho chị em, Hội đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các trung tâm dạy nghề tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu, tiếp tục thực hiện Đề án 295 về hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, tư vấn nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động nữ sau đào tạo. Hội cũng phối hợp với phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông các huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên nữ. Để hỗ trợ cho chị em phát triển kinh tế, Hội đã duy trì các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp, vốn tiết kiệm tại các chi hội. Ngoài ra, Hội còn xây dựng và duy trì mô hình phát triển kinh tế phù hợp tại địa phương như mô hình chăn nuôi lợn nái, trâu nái, gà an toàn, chim bồ câu Pháp, gà ri chất lượng cao…