Những năm gần đây, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Phú Bình đã giải phóng mặt bằng (GPMB) để phục vụ nhiều dự án trọng điểm với tổng diện tích thu hồi lên tới hàng trăm ha, ảnh hưởng tớ quyền lợi của trên 1.200 hộ dân. Số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 222 tỷ đồng. Mặc dù vậy, do cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với công tác này nên chưa có trường hợp nào phải bảo vệ thi công hoặc xảy ra tình trạng khiếu nại tố cáo vượt cấp, kéo dài.
Đến khu công nghiệp (KCN) Điềm Thụy thời gian này, chúng tôi thấy sự thay đổi nhanh chóng về mọi mặt từ cơ sở hạ tầng đến không khí hoạt động sản xuất nhộn nhịp trong các công ty, doanh nghiệp. Dọc trục đường đôi mặt đường đẹp, rộng với đầy đủ hệ thống chiếu sáng, cây xanh, một bên đã có hàng chục nhà máy, doanh nghiệp được dựng lên san sát. Phía bên kia, nhiều đơn vị khác cũng đang khẩn trương thi công, hoàn thiện nhà xưởng. Được biết, dự án KCN Điềm Thụy được triển khai từ năm 2012, có diện tích 350ha (gồm 2 phần 180ha do Ban Quản lý Các KCN tỉnh làm chủ đầu tư và phần 170ha do Công ty Cổ phần Đầu tư APEC làm chủ đầu tư). Tính đến tháng 6-2015, tiến độ GPMB KCN Điềm Thụy phần 180ha đã thu hồi được gần 60ha diện tích đất của 465 hộ dân, tổng số tiền bồi thường trên 148 tỷ đồng. Còn phần 170ha có tổng diện tích đất thu hồi gần 27,7ha, số tiền bồi thường GPMB đã phê duyệt là trên 49 tỷ đồng. Cho tới thời điểm này, đã có 30 dự án được chấp thuận đầu tư vào KCN Điềm Thụy, trong đó có 10 doanh nghiệp đi vào sản xuất kinh doanh. Các giai đoạn tiếp theo trong công tác đền bù GPMB tại KCN Điềm Thụy vẫn đang được huyện Phú Bình tích cực triển khai thực hiện để đón các nhà đầu tư.
KCN Điềm Thụy là một trong nhiều dự án trọng điểm liên quan đến công tác bồi thường GPMP của huyện Phú Bình trong thời gian qua. Đồng chí Dương Đại Đồng, Phó Ban Bồi thường GPMB huyện Phú Bình cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, Ban GPMB được Huyện ủy, HĐND, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện giao nhiệm vụ tham mưu thực hiện hàng chục dự án lớn trên địa bàn, ảnh hưởng đến hơn 1.200 hộ dân, số tiền bồi thường hỗ trợ lên tới trên 222 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện mặc dù gặp không ít khó khăn như: chính sách bồi thường, hỗ trợ trong công tác bồi thường GPMB của Nhà nước có sự thay đổi; công tác tái định chậm; nhân dân đòi hỏi bồi thường cao hơn quy định... nhưng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện, vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên công tác GPMB luôn được tiến hành đảm bảo đúng quy trình, tiến độ, không xảy ra đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Để người dân hiểu, ủng hộ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB, huyện luôn đề cao công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Quan điểm của huyện là mọi quy trình phải được diễn ra một cách dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Nói về kinh nghiệm trong công tác bồi thường GPMB trên địa bàn huyện, đồng chí Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Để mỗi dự án được triển khai thực hiện một cách thuận lợi, thành công, chúng tôi đưa vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lên hàng đầu, chủ động phối hợp với nhà đầu tư, lập kế hoạch sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, công khai quy hoạch. Sau đó, UBND huyện thành lập hội đồng bồi thường GPMB, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập phương án bồi thường; thực hiện kê khai, kiểm đếm tài sản kịp thời, chi tiết, chính xác. Trong công tác tuyên truyền, vận động phải huy động sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị. Việc thu hồi đất được thực hiện trên tinh thần dân chủ, minh bạch giữa từng hộ dân, chính quyền và Hội đồng đền bù GPMB. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền luôn lắng nghe tiếng nói của người dân, tổ chức nhiều cuộc đối thoại để bàn bạc, thống nhất, kịp thời giải quyết những vướng mắc nảy sinh. Dù trong giai đoạn, quá trình nào, quan trọng là những người lãnh đạo phải luôn quan tâm, giám sát, kiểm tra và đôn đốc kịp thời.
Có thể nói, chưa bao giờ công tác GPMB để thực hiện các dự án thu hút đầu tư tại huyện Phú Bình lại diễn ra mạnh mẽ nhưng trong vài năm trở lại đây. Nhờ vậy mà việc thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện giai đoạn 2011-2015 đạt trên 9.572,1 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động đầu tư từ ngân sách nhà nước 606,1 tỷ đồng; nhân dân đối ứng đạt trên 132 tỷ đồng; vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp đạt 7.265 tỷ đồng; vốn cho vay từ các tổ chức tín dụng trên 1.569 tỷ đồng...
Đánh giá về công tác GPMB để thực hiện dự án KCN, đồng chí Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh nói: Có thể thấy, huyện Phú Bình đã có sự vào cuộc tích cực của từ cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác bồi thường GPMB. Bởi vậy mà thời gia qua, Phú Bình luôn bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư các dự án đảm bảo đúng tiến độ. Đặc biệt, những năm qua, Phú Bình đã thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp đầu tư tại địa phương vào các khu, cụm công nghiệp. Riêng KCN Điềm Thụy đến nay đã có trên 30 dự án FDI vào đầu tư với tổng số vốn cam kết trên 6.000 tỷ đồng... Đây là bước tiến mạnh và là thành công của Phú Bình để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống tăng thu nhập, cho người dân.