Để góp phần thay đổi nhận thức người tham gia giao thông

08:24, 16/07/2015

10 giờ sáng ngày 3-7, tôi có mặt tại Phòng Giao dịch phường Phan Đình Phùng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên (VietinBank), qua quan sát thấy người đến giao dịch đa số là người nộp phạt vì vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông.

Theo anh Ma Văn Thụ, Trưởng phòng Giao dịch cho biết: “Bình quân mỗi ngày thường có khoảng 50 đến 60 người đến nộp tiền xử phạt vi phạm giao thông; cao điểm có tới hàng trăm người. Đây không phải là điểm duy nhất thu tiền nộp phạt, ngoài ra, VietinBank còn có 10 điểm khác trên địa bàn cũng thu hộ tiền nộp phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông”. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, VietinBank đã thu hộ với 11.200 món với số tiền gần 12 tỷ đồng. Anh Thụ cho biết thêm: “Có nhiều lái xe đường dài bị xử phạt liên tục nhưng vẫn không rút kinh nghiệm”. Tôi đã phỏng vấn một lái xe, anh Nguyễn Hồng Sơn, chuyên vận chuyển hàng hóa tuyến Bắc Cạn- Hà Nội đang đến nộp phạt với số tiền 7,5 triệu đồng do chở hàng quá trọng tải. Tôi hỏi: Em có hay bị phạt vì vi phạm  không? Cũng khá nhiều lần chị ạ? Tại sao biết là hay bị phạt và mức nộp phạt đâu có ít mà em vẫn không rút được kinh nghiệm? Ôi dào! Chủ doanh nghiệp họ chịu tất đấy chị ạ. Chúng em cứ mang biên lai nộp phạt này về là ông chủ thanh toán hết, còn lương hàng tháng em vẫn lĩnh đủ, chẳng ảnh hưởng đến thu nhập của em”. Còn một lái xe khác, tôi thấy cầm biên lai với mức phạt 2,5 triệu đồng, lỗi do quá hạn đăng kiểm. Nhưng khi hỏi, anh này trả lời ráo hoảnh: “Tôi quên?”… Tuy nhiên, qua quan sát, chúng tôi còn thấy có một số người đi, lại rất nhiều lần để nộp phạt, hỏi ra mới biết nhiều lái xe còn không quan tâm đến việc tự đi nộp phạt nên đã thuê xe ôm đi nộp hộ với giá 40 nghìn đồng/lượt. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh còn “phát sinh” thêm một đội xe ôm khoảng 5-6 người chuyên đi nộp phạt hộ để các chủ xe còn đi cho kịp chuyến xe.

 

Qua đó cho thấy ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cao. Mặc dù Nhà nước có rất nhiều giải pháp để ngăn ngừa vi phạm: Từ công tác tuyên truyền, vận động; tuần tra, kiểm soát xử lý thường xuyên, liên tục, đến việc đưa vào chỉ tiêu thi đua ở các địa phương, đơn vị để làm một trong những tiêu chí bình xét tập thể, cá nhân; xử bằng phạt bằng tiền; cải thiện cơ sở hạ tầng… Song, theo anh Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh cho biết: Tình trạng vi phạm giao thông phổ biến trong nhiều năm qua vẫn là: không đi đúng làn đường, phần đường; không chú ý quan sát; lái xe phóng nhanh, vi phạm quy định về tốc độ và uống rượu bia gây TNGT; chở quá trọng tải, vượt chiều cao quy định… Qua công tác tuần tra, kiểm soát 6 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 18.095 trường hợp vi phạm, xử lý 16.031 trường hợp, tổng số tiền thu phạt trên 18 tỷ đồng; tạm giữ 685 xe ô tô, 2.130 xe mô tô, tước giấy phép lái xe 1.801 trường hợp. Trong đó, chủ yếu các lỗi: lái xe chở khách vi phạm 1.133 trường hợp; xe chở quá tải 597 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm 5.011 trường hợp, vi phạm nồng độ cồn 308 trường hợp…Các lỗi trực tiếp gây tai nạn giao thông do không đi đúng làn đường, phần đường chiếm tỷ lệ 33%; tránh vượt sai quy định, không chú ý quan sát, thiếu tập trung (chiếm tỷ lệ 19,71%)…

 

Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu là do ý thức giao thông kém thì mức xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 171 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe. Ví dụ: Phạt tiền từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên; phạt từ 50 nghìn đồng đến 60 nghìn đồng đối với hành vi vi phạm như: người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô, điện thoại di động; Phạt từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng đối với một trong các hành vi thường gây nên tai nạn giao thông nhiều như: điều khiển xe, lạng lách đánh võng, đuổi nhau trên đường; hay người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy định khi tham gia giao thông trên đường bộ…Ngoài ra, các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm do chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế; chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng; chở hành khách vượt quá quy định còn thấp nên mức phạt như một “toa thuốc đã nhờn” đối với các doanh nghiệp “khỏe mạnh” vì họ sẽ nhanh chóng bù lỗ cho những khoản phạt này.

 

Để khắc phục tình trạng trên, theo chúng tôi cần tiếp tục tập trung vào một số biện pháp như: đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi vi phạm. Đồng thời, đề nghị nâng một số mức phạt còn quá thấp cho một số hành vi vi phạm để đủ sức răn đe. Ông Bùi Đình Nga, ở Tổ 11, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên cũng đồng nhất với quan điểm này, ông nói: “Ông cha ta đã dạy: “Uốn cây từ thuở còn non. Dạy con từ thuở con còn ngây thơ”. Vì  vậy, theo tôi, việc giáo dục về an toàn giao thông phải bắt đầu từ gia đình. Ngay từ khi con cái còn bé, bố mẹ nên giáo dục cho con biết những điều cơ bản khi tham gia giao thông. Đi đôi là bố, mẹ phải làm gương cho con cái khi đưa con đi ra ngoài đường. Có như vậy mới tạo nề nếp cho con trẻ về ý thức khi tham gia giao thông ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, mức phạt phải đủ sức răn đe (mức phạt lần sau cần cao hơn lần trước) để lần sau sợ không dám tái phạm nữa”. Còn ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc một doanh nghiệp vận tải còn cho rằng: Hiện nay, nhiều lái xe vận tải vi phạm bị xử phạt rồi vẫn tiếp tục tham gia giao thông bằng biên lai xử phạt. Theo tôi, khi lái xe đã bị xử lý vi phạm, không nên cho xe lưu hành trên đường nữa thì mới có tác dụng răn đe cao”. Trên đây là những ý kiến cần tham khảo để góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông hiệu quả hơn, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.