Đổi mới công tác vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo

16:47, 20/07/2015

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân tộc, tôn giáo và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng. Đảng và Nhà nước luôn coi việc chăm lo cuộc sống cho đồng bào có đạo là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng và đạo lý truyền thống của dân tộc. Với nhận thức như vậy, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện cho tất cả các tôn giáo được cùng hòa nhập và phát triển.

Tại Thái Nguyên, công tác vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã được cả hệ thống chính trị quan tâm và thực hiện, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”. Có được những kết quả đó là do công tác dân vận của hệ thống chính trị đã không ngừng đổi mới. Công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị về tôn giáo và công tác tôn giáo đã được tăng cường; kết hợp công tác dân vận với tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về tôn giáo đến chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân. Xác định công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo nên những năm qua, công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo đã được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết về công tác tôn giáo gắn với đẩy mạnh các phong trào do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát động, phong trào sống “tốt đời, đẹp đạo”; từ đó nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt tại các thôn, xóm, bản, tổ dân phố; nhất là những địa phương có đông đồng bào theo đạo. Nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân các tôn giáo để xem xét, điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế đã được cả hệ thống chính trị chú trọng, tập trung chỉ đạo. Việc phát huy những giá trị truyền thống như: truyền thống thờ tổ và thờ cúng tổ tiên, tôn vinh Anh hùng dân tộc, những người có công với Tổ quốc ngày càng được tuyên truyền rộng rãi hơn.

 

Qua công tác tuyên truyền đã giúp cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Chức việc, tín đồ các tôn giáo phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các sinh hoạt tôn giáo dần đi vào ổn định, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

 

Công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về tôn giáo cũng được tăng cường. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo được cụ thể hóa và đảm bảo về mặt thủ tục hành chính và đúng trình tự. Vai trò quản lý Nhà nước về tôn giáo đã được chính quyền các cấp tổ chức thực hiện đúng các quy định của pháp luật và đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động. Các ban, ngành chức năng từ tỉnh đến các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thực hiện các hoạt động tôn giáo đúng pháp luật và phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam...

 

Công tác phối hợp tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn các tà đạo, tổ chức bất hợp pháp đã được các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ. Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo của các phần tử đội lốt tôn giáo để hoạt động chính trị được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Việc nắm và xử lý các tà đạo, đạo lạ, tín ngưỡng liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh... được giải quyết kịp thời, đồng bộ, đạt hiệu quả rõ rệt. Điển hình là việc đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn tỉnh. Do chủ động trong công tác và thực hiện tốt công tác dân vận, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nên công tác tuyên truyền vận động ở vùng bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã có chuyển biến tích cực, nhiều hộ dân đã không tin, không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, không tham gia làm “nhà đòn”. Các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác phát động quần chúng, xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về các chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo; nâng cao nhận thức của quần chúng, phân biệt rõ tín ngưỡng, tôn giáo với việc lợi dụng tôn giáo. Trên cơ sở đó, đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo đi ngược lại với lợi ích của dân tộc.

 

Công tác vận động chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo đã và đang từng bước đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự phối hợp điều hành của chính quyền, cùng với sự đổi mới trong phương thức hoạt động, các tôn giáo ngày càng thể hiện đường hướng hoạt động tiến bộ, hoạt động tuân thủ pháp luật. Mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với chức sắc các tôn giáo ngày càng thân thiện, cởi mở. Chính quyền các cấp đã chủ động, lắng nghe để hiểu tâm tư, nguyện vọng nguyện vọng các tôn giáo, từ đó đáp ứng những nhu cầu chính đáng, hợp pháp của cá nhân, tổ chức tôn giáo. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các chức sắc tôn giáo, gia đình chính sách người theo tôn giáo nhân các ngày lễ trọng như: Lễ Phật đản, Lễ Vu lan, Lễ Noel, Lễ Phục sinh, Tết Nguyên đán… Tổ chức các hội nghị công tác chuyên đề về tôn giáo để biểu dương các tín đồ tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt “việc đạo, việc đời”.

 

Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác tôn giáo, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Một là, các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác tôn giáo; thực hiện tốt công tác chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn đối với các tà đạo, “đạo lạ” ở địa phương; đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn tỉnh.

 

Hai là, các địa phương tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của đơn vị mình trong công tác tôn giáo. Cần đa dạng về phương pháp, hình thức tuyên truyền giúp nhân dân và tín đồ các tôn giáo nhận thức đầy đủ hơn quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách tôn giáo...

 

Ba là, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tôn giáo các cấp trên địa bàn tỉnh. Giải quyết kịp thời những đề nghị chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tín đồ các tôn giáo, không để xảy ra các sự việc phức tạp liên quan đến tôn giáo.

 

Bốn là, tuyên truyền và vận động các tín đồ nêu tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vận động các tín đồ thực hiện tốt các đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó giữa đạo và đời, phát huy những nét đẹp truyền thống, những yếu tố tích cực, những điểm tương đồng trong các tôn giáo.