Thêm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

09:26, 04/07/2015

Tiếp theo các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Đề án được UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính xây dựng và sẽ trình tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XII (dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 7 này).

 

Nhu cầu vốn của DNNVV là rất lớn

 

Khoảng 5 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều ngân hàng mở chi nhánh và phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 23 ngân hàng đang hoạt động, với tổng dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 6-2015 đạt trên 29 nghìn tỷ đồng. Đây là một trong các điều kiện thuận lợi giúp các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, mặc dù nguồn vốn của các ngân hàng rất dồi dào, nhiều ngân hàng thậm chí còn thừa vốn nên rất muốn đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng, nhưng do các DN không có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tài sản đảm bảo nên việc cho vay gặp khó khăn. Ngược lại, nhiều DN có nhu cầu vốn thực sự và có khả năng phát sinh lợi nhuận nhưng lại không đủ điều kiện tín chấp và thế chấp nên rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, không có khả năng mở rộng quy mô, từ đó bỏ lỡ cơ hội phát triển. Thậm chí, cũng vì khó khăn về vốn, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản…

 

Xuất phát từ thực tế này, việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV sẽ phần nào giải quyết được khó khăn hiện nay mà nhiều DN đang gặp phải, đồng thời cũng giúp các ngân hàng tăng trưởng dư nợ tín dụng. Theo số liệu của Sở Kế hoạch - Đầu tư, toàn tỉnh hiện có trên 4.200 DN, trong đó hơn 97% là DNNVV. Các DN này đã và đang giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể vào tăng thu cho ngân sách địa phương và góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

 

Giải pháp tích cực

 

Việc triển khai thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện ở các địa phương trong cả nước từ năm 2001 theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau (trong đó nguyên nhân chính là do ngân sách địa phương dành cho Quỹ còn khó khăn, cùng với đó là khả năng góp vốn của các tổ chức tín dụng cũng như của các DN hạn chế) nên cũng như phần lớn các tỉnh trong cả nước, đến nay tỉnh ta vẫn chưa thành lập được Quỹ bảo lãnh này.

 

Theo đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay việc thành lập Quỹ không phải không còn những khó khăn, vướng mắc. Nhưng do Quỹ có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp các DNNVV tiếp cận nguồn vốn, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, nên UBND tỉnh quyết định trình Đề án thành lập Quỹ tại kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh. Trước mắt, để đáp ứng yêu cầu cơ bản, tỉnh sẽ dành cho Quỹ 30 bên cạnh việc bổ sung từ nguồn ngân sách, Quỹ sẽ huy động sự tham gia của các tổ chức tín dụng, các DN, hội, hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh để tăng nguồn vốn, có thêm điều kiện giúp các DNNVV vượt qua khó khăn. Hiện, Đề án thành lập Quỹ đã hoàn tất, chờ sự thông qua của HĐND tỉnh.

 

Theo nội dung Đề án, việc quản lý, điều hành của Quỹ được giao cho Quỹ Phát triển đất Thái nguyên (trực thuộc UBND tỉnh). Quỹ không thành lập hội đồng quản lý, ban kiểm soát và ban điều hành. Do đó, việc thành lập Quỹ nhưng không làm tăng biên chế sự nghiệp.

 

Ý kiến từ doanh nghiệp

 

Quỹ bảo lãnh tín dụng là một định chế tài chính, một cơ chế hữu hiệu nhằm huy động sức đóng góp của xã hội vào việc hỗ trợ DN, đồng thời cũng là sự thể hiện sự quan tâm tích cực của nhà nước đối với các DN. Quỹ được thành lập không vì mục tiêu lợi nhuận, hoạt động chủ yếu là phát hành các chứng thư bảo lãnh, cam kết với các tổ chức tín dụng để cho vay đối với các DN khi được xác nhận là có phương án kinh doanh hiệu quả, có khả năng thanh toán khoản vay chứ không phải là việc cho vay như các tổ chức tín dụng khác.

Thời gian gần đây, tại nhiều diễn đàn được tổ chức giữa đại diện chính quyền, một số sở, ngành chức năng với các DN, hiệp hội DN, đại diện nhiều DN tha thiết đề nghị tỉnh sớm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

 

Ông Ngô Thượng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Khải (ở tổ 15, phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên) bày tỏ: Chưa khi nào việc vay vốn ngân hàng lại thuận lợi như hiện nay, nhưng đó là đối với những DN có khả năng đáp ứng về tài sản thế chấp. Là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chúng tôi thường xuyên cần các gói bảo lãnh như: Bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng. Theo quy định, các gói bảo lãnh phải có tài sản đảm bảo hoặc ký quỹ với giá trị tương đương với giá trị bảo lãnh khiến các DNNVV gặp không ít khó khăn, trong khi đó, đây là những khoản bảo lãnh ít rủi ro. Tôi hy vọng, khi Quỹ Bảo lãnh cho DNNVV ra đời, việc bảo lãnh cho các DNNVV sẽ thuận lợi hơn và khi đi vào hoạt động, Quỹ cần phải minh bạch, hỗ trợ cho những DN đang khó khăn, có nhu cầu thực sự và có phương án sản xuất, kinh doanh tốt…

 

Bà Nguyễn Thị Doan, Giám đốc Công ty Du lịch và thương mại Phú Thái Hà (T.P Thái Nguyên) cũng rất kỳ vọng vào việc ra đời của Quỹ. Bà Doan cho rằng, với việc thẩm định của các ngân hàng khá chặt chẽ, nhiều DN chỉ được vay vốn bằng 50-60% giá trị tài sản thực, khiến DN không đủ vốn để hoạt động. Tôi hy vọng, Quỹ ra đời sẽ giúp các DN khắc phục được khó khăn này.