Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

16:58, 08/08/2015

Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để hội nhập và phát triển, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đã và đang tích cực phát động mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế cũng như văn hóa xã hội.

Phong trào thi đua được phát động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã tích cực tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân tự nguyện, tự giác hưởng ứng các phong trào thi đua với nội dung cụ thể, rõ ràng; đồng thời đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng kết, khen thưởng kịp thời.

 

Những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, dần đi vào nền nếp. Cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; các cơ quan, địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động và có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền động viên đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về TĐKT; tham mưu, nghiên cứu, kịp thời đề xuất với lãnh đạo tỉnh cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện TĐKT; tham mưu cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh phát động các phong trào thi đua nòng cốt để tổ chức triển khai trong phạm vi toàn tỉnh.

 

Công tác khen thưởng đã thực hiện đúng quy định của Luật TĐKT và các văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng việc phát hiện tập thể, cá nhân lao động trực tiếp có thành tích xuất sắc để khen thưởng kịp thời bằng nhiều hình thức phù hợp. Việc triển khai và thực hiện thường xuyên, kịp thời công tác TĐKT đã có tác động tích cực, động viên, cổ vũ các tập thể, cá nhân hăng hái lao động sản xuất với năng suất, chất lượng cao. Đã xuất hiện nhiều mô hình mới, gương người tốt, việc tốt, tiêu biểu trong thực tiễn cuộc sống.

 

Tuy nhiên, phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa gắn kết được với công việc thường xuyên, hàng ngày; nội dung, tiêu chí thi đua chưa thực sự cụ thể. Công tác TĐKT chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống. Có phong trào thi đua chưa thực sự gắn với lợi ích của người lao động, do đó chưa thực sự tạo động lực trong công tác thi đua từ cơ sở. Có nơi còn lúng túng trong việc đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thi đua. Công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết ở một số đơn vị chưa được coi trọng; chưa đầu tư đúng mức cho phong trào thi đua; tính động lực và hiệu quả của các phong trào thi đua còn hạn chế. Có nơi công tác thi đua còn nể nang, cào bằng; thủ tục khen thưởng còn nặng về hành chính. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu kế hoạch bồi dưỡng, chăm lo, xây dựng điển hình tiên tiến. Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác TĐKT từ tỉnh đến cơ sở vẫn còn thiếu và yếu, không ổn định; năng lực tham mưu, tổ chức vận động quần chúng còn hạn chế.

 

Thực tiễn cho thấy, khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển; khuyến khích phát triển cái tốt để lấn át cái xấu. Để công tác TĐKT đổi mới, theo kịp yêu cầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước, quan tâm đổi mới phương pháp hoạt động để TĐKT thực sự trở thành động lực phát triển.

 

Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày. Nội dung và phương thức tổ chức phong trào thi đua phải được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Cần chuyển trọng tâm TĐKT về cơ sở và người lao động, người sản xuất trực tiếp, có sáng tạo trong công tác, lao động sản xuất. Khen thưởng cần mang tính nêu gương, tính giáo dục, được dư luận đồng tình, ủng hộ; kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong TĐKT. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong công tác TĐKT theo hướng công khai, minh bạch, công bằng.

 

Thi đua phải được tạo dựng từ phong trào của quần chúng ở cơ sở và được quần chúng tích cực hưởng ứng. Phong trào thi đua yêu nước cần gắn kết chặt chẽ với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI và Đề án số 09-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVIII. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến.

 

Mỗi phong trào thi đua phải xác định được mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của từng cơ quan, đơn vị; cần tổ chức, phát động thi đua với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, có tiêu chí thi đua cụ thể. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào; lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng kịp thời. Kết hợp phát động các phong trào thi đua theo đợt, hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những mặt còn tồn tại, yếu kém, những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, qua đó đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của phong trào để tiếp tục nhân rộng. Và một điều quan trọng nữa là quan tâm đổi mới tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng theo phương châm gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống tổ chức thi đua, khen thưởng các cấp; hệ thống hoá và lưu trữ các dữ liệu về thi đua, khen thưởng.

 

Vài suy nghĩ về đổi mới công tác TĐKT với mong muốn phong trào thi đua yêu nước ở các ngành, các cấp, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ tiếp tục phát triển, thực sự trở thành động lực để đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, thi đua lập nhiều thành tích thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và góp phần xây dựng con người mới phát triển toàn diện.