Hội thảo về vấn đề liên kết “4 nhà”

14:58, 13/08/2015

Ngày 13-8, tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên), Viện Nghiên cứu Kinh tế Xanh đã phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Nông, lâm nghiệp Việt Nam - Chi hội miền núi phía Bắc tổ chức Hội thảo “Liên kết trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thái Nguyên”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vấn đề liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học) trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với các nội dung chính: Vai trò cụ thể của “4 nhà” trong huy động vốn và phát triển hạ tầng, trong liên kết sản xuất và tiêu thụ chè, cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, cây ăn quả; Triển khai các chính sách bảo hiểm nông nghiệp có hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực trong XDNTM tại tỉnh Thái Nguyên và một số địa phương khác….Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, trong quá trình triển khai XDNTM vẫn xuất hiện những vấn đề mang tính hệ thống, tồn tại kéo dài, khó khăn nhất chính là vấn đề quyết định tính bền vững của các địa phương Nông thôn mới. Vì vậy, cần đưa các giải pháp nhằm tăng cường huy động vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn trong cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

 

Hiện, tỉnh Thái Nguyên đã có trên 1.800 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệ, trong đó có trên 825 trang trại, 350 hợp tác xã, 600 doanh nghiệp, trên 100 làng nghề hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nguười dân. Ước tính hết năm nay, đã có 44% số xã nông thôn trên địa bàn đạt tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 11,66%...Về cơ sở hạ tầng nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 3.600km đường nông thôn, xây dựng mới trên 260 trường học, 56 công trình cấp thoát nước, 21.000 công trình vệ sinh hộ gia đình…đã tạo được những nét thay đổi rõ nét ở vùng nông thôn miền núi, cơ bản đáp ứng phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

 

Hội thảo được tổ chức nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của "4 nhà" trong XDNTM, tận dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm có giá trị cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.