Phát huy hiệu quả giám sát của MTTQ

08:30, 09/08/2015

Năm 2015, lần đầu tiên Uỷ ban MTTQ tỉnh thực hiện nhiệm vụ giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tại Công ty Than Núi Hồng và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên về việc thực hiện pháp luật trong bảo vệ môi trường. Theo đánh giá ban đầu, hoạt động giám sát đã được thực hiện đúng quy trình và tạo được hiệu ứng tương đối tốt trong dư luận xã hội.

Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh chia sẻ: Không phải ngẫu nhiên chúng tôi lựa chọn vấn đề thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường để tiến hành giám sát. Dựa trên kết quả thống kê ý kiến của người dân qua các đợt tiếp xúc cử tri có đến 25% số kiến nghị liên quan đến môi trường, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã quyết định lựa chọn vấn đề này để thực hiện giám sát. Hai đơn vị được lựa chọn giám sát đều là những đơn vị có phạm vi ảnh hưởng rộng đến môi trường. Thêm vào đó, Công ty Than Núi Hồng và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cũng là một trong số những đơn vị từng có nhiều ý kiến phản ánh của cử tri về tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Do đó, giám sát các đơn vị này không chỉ đáp ứng yêu cầu của dư luận xã hội mà còn tạo niềm tin cho cử tri về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến những vấn đề cử tri quan tâm.

 

Có mặt cùng Đoàn giám sát từ khi họp thông báo đến những buổi giám sát và công bố kết quả, điều đầu tiên chúng tôi ghi nhận được là các thành phần tham gia Đoàn giám sát và các đơn vị được giám sát đều thực hiện đầy đủ thời gian, kế hoạch, nội dung giám sát. Bác sĩ Chuyên khoa II. Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết: Những năm trước đây, Bệnh viện từng bị đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong Quyết định số 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó đến nay, Bệnh viện đã đầu tư mới, hiện đại hóa các thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường với số tiền trên 50 tỷ đồng gồm: hệ thống xử lý nước thải hiện đại, hệ thống xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ vi sóng 38kg/h… Nhờ vậy, Bệnh viện đã được đưa ra khỏi danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Lần giám sát này của Uỷ ban MTTQ cũng là cơ hội để chúng tôi kiểm tra lại những việc đã làm được và những thiếu sót còn tồn tại để khắc phục. Do đó, khi nhận được thông báo của Uỷ ban MTTQ tỉnh, Bệnh viện đã chuẩn bị chuẩn bị đầy đủ báo cáo, văn bản, nhân sự tham gia làm việc với Đoàn, đảm bảo hiệu quả công tác giám sát.

 

Có thể nói, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho lần giám sát đầu tiên này. Ngay từ cuối năm 2014, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổ chức họp bàn, thảo luận để lựa chọn vấn đề giám sát. Sau khi lựa chọn được vấn đề, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tiến hành khảo sát tại một số đơn vị khai thác khoáng sản và điểm xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh: Khu xử lý chất thải rắn Đá Mài (T.P Thái Nguyên) và Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công (T.P Sông Công), Mỏ vàng sa khoáng Bản Ná, xã Thần Sa (Võ Nhai)… Qua các buổi khảo sát này, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tích luỹ thêm được một số kiến thức về việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, qua đó, rút ra một số điểm cần chú ý trong quá trình giám sát: cần đề cập đến vấn đề gì, quan tâm đến những khía cạnh nào… Quy trình giám sát cũng được làm đúng, đủ trình tự từ việc báo cáo, xin chủ trương của cấp uỷ, thông báo đến các ngành chủ quản, thành viên đoàn giám sát, làm việc với đơn vị được giám sát và công bố kết quả giám sát.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong hoạt động giám sát lần đầu tiên của Uỷ ban MTTQ tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Một trong những hạn chế khách quan có thể nhìn thấy rõ là hoạt động giám sát của MTTQ chỉ mang tính thời điểm, chưa thể bao quát hết được tất các các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường gắn liền với nhiều lĩnh vực khác nhau, với các tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp nên hoạt động giám sát của MTTQ khó có thể đạt được hiệu quả cao. Một hạn chế khác cũng được dư luận trăn trở là chức năng giám sát của MTTQ là nêu kiến nghị, vì vậy, nếu MTTQ không theo dõi, đôn đốc thực hiện liên tục, mạnh mẽ thì tính chất của hoạt động này trở thành “có giám mà không có sát”.

 

Hoạt động giám sát lần thứ 2 trong năm 2015 của Uỷ ban MTTQ sẽ là về việc giải quyết một số đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh. Thiết nghĩ, để hoạt động giám sát của MTTQ thực sự phát huy hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật MTTQ và chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường quyền tham gia đối thoại, nêu ý kiến của người dân đối với hoạt động giám sát của MTTQ. Quan trọng nhất, MTTQ cần nêu các đề xuất xử phạt đối với những đơn vị vi phạm.