Thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN

18:30, 11/08/2015

Cùng với hệ thống Kho bạc cả nước, từ ngày 1-1-2016, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Nguyên sẽ bắt đầu thực hiện thêm nhiệm vụ mới đó là thanh tra chuyên ngành theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính. Đây được xem là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi rất cao về trình độ năng lực công chức, cũng như trách nhiệm thực thi công vụ.

Trước đó, xác định thanh tra chuyên ngành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, ngày 24-9-2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Quyết định số 2456/QĐ-BTC ban hành Quy chế hoạt động thanh tra chuyên ngành KBNN và ngày 26/9/2014, Tổng giám đốc KBNN đã ký Quyết định số 777/QĐ- KBNN về việc ban hành quy trình thanh tra chuyên ngành KBNN.

 

KBNN Thái Nguyên sẽ tiến hành thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước có nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của KBNN, với việc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về các khoản chi ngân sách nhà nước tại hệ thống KBNN, việc chấp hành các quy định của pháp luật của các quỹ tài chính do KBNN quản lý.

 

Thanh tra chuyên ngành KBNN được tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN theo quy định của pháp luật. Theo quy định, mỗi cuộc thanh tra chuyên ngành do Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.

 

Đồng thời với việc triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành KBNN, hệ thống KBNN được giao nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN theo Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ mà Bộ Tài chính đã hướng dẫn việc thực hiện bằng Thông tư số 54/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014. Theo đó, đối tượng áp dụng xử phạt vi phạm hành chính là các đơn vị dự toán, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan, tổ chức được NSNN hỗ trợ kinh phí (gọi chung là đơn vị dự toán), các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn trái phiếu chính phủ (gọi chung là chủ đầu tư).

 

 KBNN sẽ tiến hành xử phạt đối với các hành vi vi phạm các khoản chi NSNN thực hiện qua KBNN, gồm: Vi phạm quy định khoản chi ngân sách phải có trong dự toán NSNN được cấp có thẩm quyền giao; chi NSNN sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi NSNN; vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi NSNN; Vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi; vi phạm thời hạn thanh toán tạm ứng NSNN. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền với mức từ 500 nghìn đồng đến 50 triệu đồng.

 

 Các tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này không được sử dụng tiền NSNN hoặc tiền có nguồn gốc từ NSNN để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra. Trường hợp xử phạt tổ chức thì sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả việc nộp lại khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra tương ứng với mức độ vi phạm của cá nhân đó.

 

Công tác thanh tra chuyên ngành KBNN và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN thực sự sẽ giúp cho lãnh đạo các cấp nhìn nhận đánh giá đúng thực trạng công tác quản lý điều hành; công tác chấp hành quy chế, quy trình; thực hiện cải cách hành chính đáp ứng các yêu cầu về công khai, minh bạch và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó đưa ra các quyết định xử lý một cách kịp thời, chính xác. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ đối với cán bộ làm công tác tài chính, kế toán tại các đơn vị thụ hưởng NSNN, nhằm kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chi tiêu đúng chế độ quy định, hạn chế tình trạng lãng phí, tiêu cực góp phần tiết kiệm cho NSNN.