Tôi thấy chạnh lòng mỗi khi nhớ lại tâm sự của một học viên sau đại học vào một buổi chiều cách đây hơn 3 năm: “Bọn em từ Tây Nguyên, Nam Bộ, bỏ qua nhiều trường y khác mà chọn một nơi khá xa, đi hàng nghìn cây số với nhiều phương tiện giao thông để ra đây học sau đại học không chỉ vì muốn nâng cao trình độ, trở thành thầy thuốc có trình độ cao mà còn bởi vì nhiều lý do khác.
Bây giờ bọn em cảm thấy thỏa mãn về việc lựa chọn thầy và môi trường đào tạo của mình. Tuy nhiên, em vẫn còn đôi chút trăn trở: nếu y tế Thái Nguyên mạnh hơn, có nhiều lĩnh vực chuyên sâu, kỹ thuật cao so với các nơi khác thì chúng em sẽ tự hào về các thầy, về mái trường này hơn rất nhiều”. Đúng vậy, đáng lẽ ra với khá nhiều ưu thế về nguồn nhân lực, Thái Nguyên phải là trung tâm mạnh thực sự về khoa học y học trình độ cao tại khu vực miền núi phía Bắc. Đó luôn là kỳ vọng của bao thế hệ thầy thuốc cũng như nhân dân các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc.
Người dân Thái Nguyên đều biết về vấn đề này là không hoàn toàn mới. Ngay từ những năm giữa của thế kỷ trước, với việc thành lập Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã trao cho các thầy thuốc ở đây sứ mệnh lịch sử là xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu, phục vụ công cuộc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các tỉnh thuộc Khu tự trị Việt Bắc. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong đầu tư về nguồn lực bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người, Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người bệnh thuộc địa bàn các tỉnh trong khu vực. Theo đó, trình độ chuyên môn và năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân của các bệnh viện tuyến tỉnh ở Thái Nguyên cũng có nhiều tiến bộ so với hầu hết các tỉnh khác trong khu vực.
Vấn đề y học chuyên sâu ở Thái Nguyên ngày nay có xứng tầm với kỳ vọng của người dân không? Vấn đề đang nằm ở chỗ nào?
Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015), tôi đã có dịp trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong một Hội nghị lấy ý kiến góp ý, chuẩn bị Đại hội về vấn đề này. Lúc đó tôi đã nói: “Nhân dân khu vực rất cần những trung tâm y tế, những bệnh viện chuyên khoa có trình độ và khả năng cung ứng dịch vụ y tế chất lượng cao ở Thái Nguyên”. Cho đến nay vấn đề vẫn còn như đang ở đâu đó. Một vấn đề mà phần lớn người dân đều biết là có quá nhiều bệnh viện đa khoa trong tỉnh song lại thiếu những bệnh viện chuyên khoa sâu. Ví dụ về việc xây dựng bệnh viện sản hoặc bệnh viện sản - nhi cho đến nay vẫn chưa có hình hài rõ nét. Trong khi nhiều tỉnh thậm chí không có tiềm lực, điều kiện thuận lợi bằng Thái Nguyên, họ đã có những bước tiến khá rõ về vấn đề này. Một ví dụ đáng để chúng ta suy ngẫm: Bắc Giang, về nhiều mặt không thể thuận lợi bằng Thái Nguyên, song Bệnh viện Sản - Nhi của họ đã có những bước tiến khá nổi bật.
Tại Bệnh viện, những ca mổ tim cho trẻ em đầu tiên đã được tiến hành thành công và họ đang chuẩn bị đầy đủ để có thể chuyển giao công nghệ, tự chủ hoàn toàn. Đã có lúc ngành Y tế có ý định xây dựng một bệnh viện chuyên sâu về cấp cứu chấn thương và khám chữa bệnh nghề nghiệp trên cơ sở Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, song chắc khó mà trở thành hiện thực. Bộ Y tế đã đầu tư để Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm vùng, phục vụ cho các hoạt động kỹ thuật chuyên sâu, trình độ cao về y học dự phòng tại khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, cho đến nay năng lực của Trung tâm này vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của các nhà chuyên môn cũng như người dân, người lao động ngay tại Thái Nguyên. Trong khi một số tỉnh khó khăn hơn chúng ta như Yên Bái, Bắc Kạn họ đã triển khai, có thể đáp ứng được khá nhiều dịch vụ kỹ thuật cao phục vụ công tác nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Vấn đề ở đây phải chăng là định hướng chiến lược, hay sự chỉ đạo và thực hiện. Không kể Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Quân y 91 phục vụ cho cả nhân dân, chúng ta có cần tới 3 bệnh viện đa khoa cấp tỉnh như hiện nay? Trong khi các bệnh viện đa khoa tuyến huyện ngày càng được đầu tư về nhiều mặt, có thể đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật theo phân tuyến đối với một số chuyên khoa về chuyên môn như một số bệnh viện tuyến tỉnh? Về mặt chiến lược đã cơ bản được hoạch định. Vậy có lẽ là ở khâu chỉ đạo và thực hiện. Nên chăng cần có một lộ trình cụ thể, kiên quyết và đảm bảo tính thực tiễn. Theo những gì mà chúng ta thấy, thì lộ trình này được coi là khá chậm. Nếu không đẩy nhanh tiến độ, chắc chúng ta sẽ tụt hậu, khó mà vượt lên trên so với các tỉnh lân cận. Để đẩy nhanh tiến độ, tôi cho rằng khâu chỉ đạo phải quyết liệt hơn. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng phát triển chuyên ngành là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Không có đội ngũ chuyên môn trình độ cao, chúng ta khó có thể triển khai, nâng tầm kỹ thuật. Bài học của các địa phương khác đã thành công mà chúng ta phải quan tâm, ưu tiên hơn nữa là việc chuyển giao kỹ thuật từ các cơ sở kỹ thuật đầu ngành ở trong và ngoài nước. Những khó khăn về trang thiết bị cơ sở vật chất nếu còn khó khăn, chúng ta có thể bổ sung bằng nhiều con đường, trong đó có phương thức xã hội hóa.
Với sự nỗ lực cao của toàn ngành Y tế, sự ủng hộ của Đảng, chính quyền địa phương, chúng ta hãy tin tưởng: trong một thời gian không xa, Thái Nguyên có thể có được các Trung tâm y học chuyên sâu với trình độ cao, đáp ứng được kỳ vọng của người dân các khu vực miền núi phía Bắc nói chung, người dân Thái Nguyên nói riêng.