Về nơi huấn luyện du kích khóa đầu tiên của huyện Định Hóa

10:56, 19/08/2015

Vào một ngày cuối tháng Tám lịch sử, trở lại xóm Cái Thanh Chung, xã Thanh Định (Định Hóa) - nơi diễn ra khóa huấn luyện du kích đầu tiên của huyện Định Hóa (tháng 3-1945), chúng tôi cảm nhận thấy cuộc sống của người dân ngày càng trở nên sung túc, diện mạo nông thôn đã và đang "thay da, đổi thịt" từng ngày...

"Tháng Ba Nà Phát Bản Đình
Anh Dương, anh Hải Việt Minh cử về,
Luyện tập kháng chiến trường kỳ,
Bắc, Nam sum họp vui nào vui hơn"...

 

Đó là những câu thơ mà cụ Ma Thị Nguyệt (năm nay đã 83 tuổi) sáng tác và thường xuyên đọc cho con cháu nghe để ghi nhớ về một sự kiện lịch sử quan trọng -  khóa huấn luận du kích đầu tiên của huyện Định Hóa đã diễn ra tại khu ruộng Nà Phát, xóm Cái Thanh Chung vào tháng 3-1945. Theo lời kể của cụ Ma Thị Nguyệt, lúc ấy, xóm Cái Thanh Chung chỉ có 7-8 hộ dân sinh sống dưới tán rừng rậm rạp, toàn cây cổ thụ cao, lớn, đường sá đi lại khó khăn. Vào một ngày đầu tháng 3-1945, bà thấy có khoảng 7-8 người tập trung ở khu ruộng Nà Phát để tập quay trái, quay phải và nhiều động tác thực hành chiến đấu. Sau dần, số lượng người về xóm để luyện tập ngày càng đông. Cụ Ma Thị Nguyệt kể: Việc tập luyện lúc ấy diễn ra rất nghiêm túc. Họ chỉ tập vào buổi sáng, đến chiều và tối thì tuyệt nhiên không thấy một ai. Đến đêm thì họ lại về ngủ ở nhà các hộ dân. Sau khoảng 2 tháng huấn luyện, họ rút ra khỏi xóm...

 

Theo cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Định (1946-2000), xuất bản năm 2000, thì: cuối năm 1944, nhiều đội tự vệ và du kích ở Bảo Cường, Kim Sơn, Trung Hội, Thanh Định... vừa hoạt động vũ trang, vừa tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng. Qua đó, lực lượng tự vệ và du kích không những được phát triển trong quần chúng mà còn phát triển ngay trong hàng ngũ lính dõng, cả tổng đoàn, xã đoàn bị ngược đãi đang chán thân phận làm tay sai cho giặc. Và để nâng cao khả năng tác chiến cho lực lượng này, Cứu Quốc quân đã mở lớp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu cho cán bộ ở các đội tự vệ và du kích các xã. Sau khóa học, những cán bộ này đã trở về huấn luyện cho đội viên của mình, sẵn sàng cùng Cứu quốc quân phối hợp chiến đấu...

 

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, ngày nay, người dân xóm Cái Thanh Chung lại tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Xóm Cái Thanh Chung hiện có 65 hộ, 250 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày với 21ha đất lúa, 8ha chè và khoảng 10ha rừng. Đời sống của người dân chủ yếu vẫn dựa vào cây lúa, ngô và trồng rừng. Những năm gần đây, người dân ở Cái Thanh Chung đã mạnh dạn đưa nhiều loại giống lúa lai, lúa thuần, ngô lai chất lượng cao vào sản xuất, như các giống lúa: Khang Dân, Nhị ưu 838, Syn6... giống ngô lai: NK4.300, LVN99, LVN61; ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất... Nhờ đó, năng suất cây trồng ngày một tăng cao. Nếu như năm 2010, năng suất lúa bình quân mới đạt khoảng 47 tạ/ha thì nay con số đó đã tăng lên 51,5 tạ/ha.

 

Cùng với việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất, nhiều hộ dân trong xóm còn đầu tư chăn nuôi lợn, trâu bò, gà, nấu rượu, làm dịch vụ xay xát, mở cửa hàng tạp hóa..., đem lại nguồn thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như các gia đình: Vũ Quốc Chỉnh, Ma Đình Dũng, Nguyễn Quang Cảnh, Nguyễn Quang Dũng, Diệp Đình Cường, Ma Đình Then... Anh Vũ Quốc Chỉnh, một hộ chăn nuôi lợn kết hợp nấu rượu cho biết: Khoảng 3-4 năm trở lại đây, nhận thấy việc chăn nuôi lợn đem lại nguồn thu nhập khá, gia đình tôi đã sửa chữa, mở rộng khu chuồng trại chăn nuôi, xây dựng hầm biogas để tăng số lượng nuôi lợn thịt hướng nạc từ 4-5 con lên 10 đến 15 con/lứa kết hợp với nấu rượu. Mỗi năm, gia đình nuôi trên 50 con lợn, đem lại nguồn thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/năm.

 

Ông Diệp Đình Đức, Bí thư Chi bộ xóm Cái Thanh Chung phấn khởi: So với 5-6 năm trở về trước, diện mạo nông thôn của xóm đã có nhiều đổi thay tích cực. Nếu như trước kia, đường làng ngõ xóm hẹp, lầy lội về mùa mưa, bụi bặm về mùa khô thì nay xóm đã có trên 1km đường bê - tông sạch, đẹp giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con được thuận lợi hơn. Nhiều ngôi nhà mới xây khang trang, kiên cố mọc lên ngày càng nhiều. Hầu hết các hộ dân trong xóm đã sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như: xe máy, tủ lạnh, tivi, bếp gas; gần 30 hộ dân trong xóm đã có máy cày mini... Hiện, xóm chỉ còn 8 hộ nghèo (chiếm 12,3%). Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xóm mới đạt 9 triệu đồng thì đến nay con số đó đã tăng 13 triệu đồng. Hằng năm, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa chiếm trên 90%.