Sau 6 tháng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều có mức tăng nhẹ thì đến tháng 9 này đã giảm 0,33% so với tháng trước và chỉ tăng 0,23% so với tháng 12-2014, giảm 0,09% so với cùng kỳ 2014.
3/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giảm, trong đó, nhóm giao thông giảm 3,34%, đóng góp vào mức giảm chung CPI của tỉnh 0,26%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,22%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,13%. Có 5/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,28%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09%; giáo dục tăng 0,08%; thiết bị và đồ dùng tăng 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. 3/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại ổn định là thuốc lá và đồ uống; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông.
CPI tháng 9 chịu tác động của việc Nhà nước điều chỉnh giảm giá xăng, dầu và giá gas; nhu cầu mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và văn phòng phẩm cho năm học mới của người dân tăng cao. Bên cạnh đó, do nguồn cung hàng hóa được chuẩn bị tốt, một số mặt hàng nông sản như lúa gạo vào vụ thu hoạch, vật liệu xây dựng vào thời điểm nhu cầu sử dụng không cao... Do đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường chỉ biến động nhẹ.
Tính chung CPI 9 tháng năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp, chỉ là 0,23% so với tháng 12-2014. Theo một số chuyên gia kinh tế, 3 tháng cuối năm sẽ ít có khả năng xảy ra đột biến về mức tăng CPI, vì thế CPI của năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội. Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành, kích thích nhu cầu tiêu dùng.