Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Loại bớt doanh nghiệp thiếu năng lực

08:00, 12/09/2015

Mới đây, việc Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tỉnh tiến hành đấu giá công khai đối với 6 khu vực mỏ trên địa bàn đã chính thức đánh dấu sự thay đổi cơ chế cấp phép khai thác khoáng sản theo hướng minh bạch, công khai và hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần loại bỏ những doanh nghiệp khai khoáng thiếu năng lực đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trước đây các đơn vị, doanh nghiệp khi "phát hiện" có mỏ, điểm mỏ trong quy hoạch, chưa được cấp cho ai, dựa trên cơ sở giấy đăng ký kinh doanh phù hợp và những thông tin chứng minh năng lực là có thể đề nghị được thực hiện các trình tự, thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản. Với quy trình đó, thực tế thời gian qua đã có không ít đơn vị, doanh nghiệp bằng khả năng "ngoại giao" của mình đã sở hữu nhiều mỏ, điểm mỏ trong khi có những đơn vị thực chất sản xuất lại thiếu vùng nguyên liệu khai thác. Cũng từ cơ chế này mà tình trạng nhiều mỏ được cấp nhưng không triển khai do năng lực chủ mỏ hạn chế, tình trạng chuyển nhượng ngầm hoặc khai thác chỉ để xuất bán nguyên liệu thô gây lãng phí tài nguyên... xuất hiện. Hơn nữa, cơ chế này đã khiến hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra một cách ồ ạt nhưng lợi nhuận, ngân sách Nhà nước thu được không đáng kể; người dân địa phương không được hưởng lợi ích từ hoạt động khai khoáng. Do vậy, Chính phủ đã có Nghị định, liên Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tài chính cũng ban hành Thông tư hướng dẫn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm tạo sự công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản.

 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song việc tỉnh ta tiến hành thành công phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản vừa qua được Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá cao và ghi nhận là một trong số ít địa phương triển khai sớm. 6 khu vực mỏ được đưa ra đấu giá thành công gồm: Khu vực cát, sỏi xóm Hồng Thái, xóm Soi Vàng, xã Tân Cương; khu vực cát, sỏi xóm Bến Đò, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên); khu vực cát, sỏi xóm Nga My, xã Nga My và xóm Đồng Ngọc, xã Hà Châu (Phú Bình); khu vực cát, sỏi xóm Xuân Trù, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên); khu vực mỏ vàng gốc Bãi Mố, xã Thần Sa (Võ Nhai) và khu vực chì, kẽm Hang Chùa, xã Tân Long (Đồng Hỷ). Tại phiên đấu giá, có gần 20 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, kết quả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá do có đủ năng lực và trả giá cao nhất. Trao đổi tại phiên đấu giá, bà Nguyễn Thị Quyên, đấu giá viên thuộc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) cho biết: Đây là phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đầu tiên của tỉnh nên được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Thời gian đấu giá nhanh, đúng trình tự, thủ tục và quy định hiện hành. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đều được sàng lọc cẩn thận, đủ điều kiện nên trong quá trình đấu giá rất thuận lợi.

 

Được biết, trước khi đấu giá, Sở Tài nguyên - Môi trường đã thực hiện các bước công khai theo trình tự từ xác định khu vực khoáng sản trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, không thuộc khu vực cấm, tạm cấm, không trùng lắp, được phê duyệt kế hoạch đấu giá, đến công khai thông tin về khu vực đấu giá trên phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức bán và xét chọn hồ sơ đấu giá. Những hồ sơ nào đủ điều kiện sẽ phải nộp phí tham giá đấu giá. Theo ông Nguyễn Bá Chính, Trưởng Phòng Quản lý khoáng sản (Sở Tài nguyên - Môi trường) thì sau khi trúng đấu giá, các doanh nghiệp chính thức được tham gia hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản. Cái hay của đấu giá quyền khai thác khoáng sản là ngoài thể hiện tính công khai, minh bạch còn giúp Nhà nước tăng nguồn thu ngân sách. Theo ông Ma Quang Thái, Giám đốc Công ty TNHH Doanh Trí thì việc đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản khu vực mỏ chì, kẽm Hang Chùa, xã Tân Long (Đồng Hỷ) là hoàn toàn xứng đáng. Doanh nghiệp có chuyên môn sâu về khai thác khoáng sản chì, kẽm, lại có đủ năng lực tài chính và sở hữu một nhà máy chế biến tại địa phương. Với diện tích mỏ 6,2ha, trữ lượng dự kiến trên 46 nghìn tấn quặng nguyên khai và mức trúng đấu giá 3%, Doanh nghiệp sẽ phải đóng góp cho ngân sách Nhà nước một lượng tiền không nhỏ trước khi tiến hành khai thác.

 

Các chuyên gia phân tích cho rằng, đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ tạo ra “sân chơi" sòng phẳng hơn cho các doanh nghiệp, chỉ có doanh nghiệp khai khoáng có chuyên môn sâu, kinh nghiệm, kỹ thuật và đủ năng lực tài chính mới có thể tham gia được vào guồng quay mà tính công khai, minh bạch rất cao. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường thì giờ đây khi tham gia vào hoạt động khai khoáng, các doanh nghiệp sẽ phải trả một khoản tiền được quyền khai thác không nhỏ đồng thời vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính như trước. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nên nếu không hoạt động tự doanh nghiệp đó sẽ loại mình ra khỏi cuộc chơi. Chủ trương của Chính phủ là thông qua những điều chỉnh này để loại bớt doanh nghiệp kém hiệu quả.

 

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều khu vực mỏ khoáng sản chưa được cấp phép, nên việc triển khai thành công đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ giúp tỉnh không những quản lý tốt hoạt động khai khoáng mà còn tạo nguồn xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng cho các địa bàn diễn ra hoạt động khai khoáng.