Tôi mở vung nồi, một mùi thơm nhẹ thanh khiết bốc lên. Những hạt gạo săn chắc thuôn dài nay đã thành cơm dẻo trắng ngần. Gạo nấu hôm nay tôi mua ở làng Mon (xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên). Nơi này không chỉ là vùng cây ăn quả mà còn là vùng gạo đặc sản.
* Gạo vừa thơm ngon, năng suất lại cao
Làng Mon là tên gọi cũ thời “các cụ”. Cách đây gần 100 năm, vài chục người từ Bắc Giang gồng gánh dắt díu nhau lên đây khai phá và trở thành cư dân đầu tiên của làng. Đồng đất hoang vu, hồ ao mênh mông, cây khoai mon mọc dày, cái tên làng Mon ra đời từ đấy. Làng có cây thị cổ thụ, vào làng phải đi qua một cái cầu đá. Xóm Cầu Đá, xóm Cây Thị cũng từ những vật giản dị như thế mà thành tên.
Phong cảnh nơi đây mang nét đặc trưng miền trung du “nửa đồng nửa núi”, đặc biệt quyến rũ với ai thích dịu dàng, yên tĩnh. Cánh đồng giang tay ôm các quả đồi thoai thoải. Dưới thấp lúa đang kéo sữa làm đòng, trên cao cây ăn quả đang kỳ thu hái, cuộc sống ngập một màu xanh an bình.
Điều đặc biệt ở làng Mon không chỉ có vậy. Tại Hội chợ Thương mại vùng Đông Bắc tổ chức tại trung tâm Thành phố mới đây, gạo làng Mon lần đầu xuất hiện, sánh bên mì Đại Từ, miến Việt Cường, chè Tân Cương, ổi Linh Sơn, thanh long Phổ Yên, na La Hiên… làm nên nét ẩm thực phong phú, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Gọi vào số điện thoại in trên bao gạo làng Mon bày bán ở Hội chợ, tôi gặp ông Lê Thanh Long, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức, tác giả của hạt gạo đặc sản làng Mon. Và thế là, dành cả ngày nghỉ, ông cùng tôi rong ruổi đến từng nhà nông dân, hồ hởi kể cho tôi nghe chuyện trồng cây lúa mới. Vốc lên những hạt gạo nhỏ, xăn nắng, đều tăm tắp, ông Dương Văn Quyền, Trưởng xóm Cây Thị xuýt xoa: Nông dân bây giờ sướng ở cái ăn. Cơm nấu gạo Bắc Thơm nóng cũng dẻo, để nguội vẫn dẻo, như tôi ấy à, chả cần thức ăn cũng đánh veo vài bát.
Nhà ông Quyền có 8 sào ruộng, từ vụ chiêm năm 2014 ông dành 4 sào cấy giống Bắc Thơm. Giá thóc giống chỉ bằng giống Bao Thai, năng suất 1,5 đến 1,7 tạ/sào lại được nhà nước trợ giá, cơm ngon chẳng kém gì Tám thơm. Thu hoạch rồi, ông Quyền vẫn tiếc rẻ: Giá như làm đúng hướng dẫn của xã, cấy “hàng rộng, hàng hẹp, phân nén dúi sâu” thì năng suất chắc lên 2 tạ/sào. Tiếc là bà con vẫn còn ham làm theo thói quen cũ. 4 sào ruộng của nhà ông Quyền nằm trong 6 ha “cánh đồng một giống” triển khai từ vụ xuân 2014 ở xóm Cây Thị. Tác giả của nó là ông Phó Chủ tịch UBND xã, 41 tuổi, Lê Thanh Long đang say sưa ngắm những hạt gạo Bắc Thơm kia. Ông Long nói:
- Làm nghề nông bây giờ nhàn hơn trước. Sâu bệnh ít đi do cây lúa khỏe hơn. Chỉ cần khi cấy dúi phân nén vào gốc mạ là cây lúa tự động lấy lên dùng, không phải nơm nớp lo đến ngày bón phân như trước. Việc vận động bà con làm “cánh đồng một giống” cũng là nhằm cho người nông dân hình thành thói quen canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật, chứ không thể cứ “trông trời, trông đất, trông mây” như trước.
Có diện tích đất trồng lúa và số dân gần gấp 2 lần xóm Cây Thị, ở xóm Cầu Đá, ông Long lại đưa giống lúa lai BTE vào cấy. Vụ xuân năm 2014, xóm cấy thử 30 sào, kết quả tốt khiến nông dân phấn khởi, sang vụ xuân 2015, 47 hộ nghe lời “ông Ủy ban” gộp 5 ha ruộng chung chất đất “bùn sèo” bỏ giống Bao thai, Khang dân quen thuộc chuyển sang cấy BTE. Cùng đổ ải, cùng gieo mạ, xuống giống, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch theo chỉ đạo từ UBND xã. Chưa bao giờ năng suất lúa lại cao đến thế (2,7 tạ thóc/sào), gạo thơm, cơm ngon, đậm hơn các loại gạo trước. Đến vụ hè thu, diện tích cấy BTE đã lên đến 14 ha. Trong xóm có gia đình bà Thảo, bà Lan, ông Tuân… cấy 100% giống lúa mới này. Ông Nguyễn Văn Thư - người dành cả 1 mẫu ruộng để cấy giống BTE tính toán: Dù giá thóc giống cao hơn 80 nghìn đồng so với giống Bao thai, nhưng mỗi sào lại thu thêm ít nhất 100kg thóc. Làm phép tính đơn giản cũng thấy, số thu về gần gấp 8 số bỏ ra.
Nghị quyết của Đảng ủy: Trở thành xã trọng điểm về nông nghiệp
Để có 20ha lúa đặc sản ở làng Mon như hôm nay, bắt đầu từ nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã về phát triển “cánh đồng một giống”. Bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Chi bộ xóm Cầu Đá kể: Trước đây dân xóm tôi cấy giống lúa khá tùy tiện, chăm bón cũng lơ là, nên có người chỉ thu vài chục cân thóc/sào. Khi xã triển khai chủ trương “cánh đồng một giống”, chúng tôi cùng với đại diện các chi hội, đoàn thể đến các hộ có chân ruộng liền kề vận động thực hiện. Lại được nhà nước hỗ trợ 30% giá thóc giống nên mọi người tham gia nhiệt tình. Cán bộ khuyến nông đến tận xóm tập huấn kỹ thuật. Các khâu từ gieo mạ, làm đất, phun thuốc… đều có người giám sát, chỉ đạo. Khi thu hoạch, ai cũng ngỡ ngàng vì thóc nhiều quá.
Thịnh Đức có chất đất phù hợp với cây lúa, cây cảnh và cây ăn quả. Tại đây, có hộ gia đình gắn với các sản phẩm nổi tiếng như ổi nhà bà Đường, cam canh nhà anh Minh. Chưa kể vùng cây ăn quả là bưởi da xanh và cam đường đẹp như mơ ở xóm Bến Đò. Ngoài chè và lúa, nhiều người còn thu nhập bằng trồng hoa (ông Quyền trưởng xóm Cây Thị), trồng gấc (cụ Tuân xóm Cầu Đá).
Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 xác định đến năm 2020 Thịnh Đức trở thành xã trọng điểm về nông nghiệp. Lúc đó 25 xóm của xã sẽ là 25 đội sản xuất, trưởng xóm đồng thời là Đội trưởng đội sản xuất. Đến thời điểm này đã có một số xóm làm được mô hình này như: Lượt 1, Làng Cả, Đức Cường, Ao Miếu… Vào vụ, mọi điều hành như gieo mạ, làm đất, bón phân, phun thuốc đều “phát lệnh” đồng loạt từ UBND xã. Từ đó dần thay đổi thói quen canh tác theo kinh nghiệm của nông dân.
Chỉ tay vào đám ruộng đang làm đòng, ông Long nói như tâm sự:
- Thay đổi tập quán canh tác truyền từ đời này sang đời khác của người nông dân thật chẳng dễ chút nào. Ngay như đám ruộng này, họ tháo nước đi vì sợ cây lúa bị bão đổ gặp nước sẽ hỏng. Chúng tôi phải giải thích rằng giống lúa này cứng cây, không sợ đổ, vì thế không cần tháo nước. Gạo Bắc Thơm hay BTE ngon, dẻo, thơm là thế nhưng cũng có người chê “gạo nấu không nở, ăn tốn”. Lại có người chê giống đắt, mà không nghĩ đến số lãi lớn hơn nhiều.
Giờ thì tôi hiểu vì sao ông Long lại mạnh dạn đưa 2 sản phẩm gạo mới ở làng Mon ra Hội chợ giới thiệu, dù sản lượng làm ra chưa nhiều. Ông muốn người tiêu dùng khẳng định chất lượng và “kích cầu” nông dân làng Mon, giúp họ chuyển đổi tư duy: Nông sản làm ra không chỉ tự tiêu mà phải trở thành hàng hóa thì người nông dân mới có thể giàu.