Ngày 4-9, UBND huyện Phú Lương đã tổ chức Hội nghị triển khai Công văn số 2237/UBND-KTN (gọi tắt là công văn số 2237), ngày 18-8-2015 của UBND tỉnh và giới thiệu công nghệ “Xử lý khí thải” cho lò gạch thủ công, thủ công cải tiến. Đến dự có lãnh đạo huyện, xã, trưởng các xóm và 51 chủ hộ sản xuất bằng lò gạch thủ công, thủ công cải tiến thuộc 4 xã: Sơn Cẩm, Phấn Mễ, Cổ Lũng và Yên Ninh.
Công văn số 2237 của UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo cho phép 187 cơ sở (huyện Phú Lương có 79 cơ sở với 99 lò gạch) sản xuất gạch đất sét nung lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục trên địa bàn tỉnh kéo dài thời hạn chấm dứt hoạt động sản xuất đến hết năm 2017, khi các cơ sở đã đầu tư lắp đặt hệ thống công nghệ xử lý khí thải đáp ứng các quy định về môi trường.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được giới thiệu công nghệ “Xử lý khí thải” cho lò gạch thủ công, thủ công cải tiến với một số ưu điểm như: Thu được toàn bộ khí thải độc hại phát sinh trong quá trình hoạt động, sản xuất, giảm thiểu tối đa về ô nhiễm môi trường; áp dụng được trong tất cả các quy trình, hoạt động sản xuất, kinh doanh có phát sinh khí thải làm ô nhiễm môi trường... Chi phí lắp đặt hệ thống thiết bị và chuyển giao công nghệ dao động trên dưới 300 triệu đồng.
Dù công nghệ “Xử lý khí thải” có những ưu điểm rõ nét nhưng các đại biểu dự Hội nghị đã có một số ý kiến thảo luận, chia sẻ khó khăn khi ứng dụng, như: Quỹ đất dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch hiện nay còn lại ít trong khi đó chi phí lắp đặt công nghệ mới khá cao, thời gian các cơ sở sản xuất gạch được phép hoạt động ngắn (đến hết năm 2017); công tác cải tạo lò, thay đổi nguồn điện gặp nhiều khó khăn...