Thời gian gần đây, với việc xuất hiện ngày càng nhiều siêu thị, trung tâm thương mại với quy mô lớn không chỉ giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong việc mua sắm, mà còn góp phần giúp diện mạo đô thị của tỉnh thêm khang trang, hiện đại. Nhiều nhà đầu tư có tên tuổi khác trong lĩnh vực này cũng đang chọn Thái Nguyên làm điểm đến, tạo ra sự cạnh tranh giữa các đối thủ, đồng thời mở ra thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng…
Ông Nguyễn Công Việt, Giám đốc Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Thời gian qua, cùng với làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sự xuất hiện của Samsung Thái Nguyên và hàng chục nhà máy phụ trợ đã trở thành tiền đề quan trọng thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Những công trình, dự án có quy mô hiện nay có thể kể đến: Tổ hợp các dịch vụ khách sạn, siêu thị, nhà hàng Đông Á Plara; Trung tâm Thương mại Minh Cầu; Tòa nhà khách sạn, nhà hàng và văn phòng cho thuê Kim Thái; Siêu thị điện mày HC; Siêu thị điện máy Thanh niên… Sắp tới đây, trên địa bàn tỉnh cũng sẽ có thêm Dự án tổ hợp văn phòng và khách sạn 5 sao Mường Thanh, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Siêu thị Big C, Trung tâm thương mại của Tập đoàn Win Croup (Wincom), Khu du lịch, khu vui chơi, giải trí phía Tây huyện Phổ Yên, với diện tích hàng nghìn ha Công ty cổ phần đầu tư Tam Đảo… Đây là những công ty, tập đoàn có uy tín trên thương trường và cũng đang mở nhiều chi nhánh ở các tỉnh, hiện đang tiến hành làm các thủ tục cần thiết để đầu tư vào tỉnh. Thực tế này đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong việc mua sắm, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí...
Anh Bùi Phạm Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh HC tại Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên những năm gần đây được biết đến là thị trường mở, đầy tiềm năng với số lượng học sinh, sinh viên, chuyên gia và công nhân rất lớn. Cùng với đó là sự quan tâm, tạo điều kiện tối đa của cấp ủy, chính quyền địa phương nên HC đã quyết định chọn Thái Nguyên để mở Chi nhánh (trong đó riêng Hà Nội có 6 chi nhánh, còn lại là ở 7 tỉnh khác). HC kinh doanh 5 ngành hàng chính, gồm: Điện lạnh, điện tử, gia dụng, ICT và giải trí số. Sau 1 năm đi vào hoạt động, HC đã đã được doanh số bán hàng khá tốt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 150 cán bộ, nhân viên. Trong thời gian tới, mặc dù HC sẽ phải cạnh tranh với một số thương hiệu mạnh khác, nhưng chúng tôi tin tưởng, với sự có mặt trước, lại nằm ở vị trí khá thuận lợi, cùng chính sách bán hàng và sau bán hàng uy tín, HC vẫn sẽ tiếp tục được nhiều khách hàng lựa chọn.
Nằm trên đường Minh Cầu, Trung tâm Thương mại Minh Cầu của Công ty TNHH Hoàng Mấm được đầu tư xây dựng năm 2011, bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2013. Trung tâm có khuôn viên trên 1.600m2, trong đó diện tích xây dựng gần 1.100m2. Được thực hiện làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 đã xây dựng 7 tầng. Hiện, hơn 4 sàn của Trung tâm đã được Công ty Hoàng Mấm cho thuê để làm siêu thị, ngân hàng và một số loại hình kinh doanh, dịch vụ khác. Gần 3 sàn còn lại do Công ty trực tiếp khai thác, sử dụng làm khách sạn, nhà hàng và khu vui chơi. Riêng tầng hầm được sử dụng để làm chợ truyền thống. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Trung tâm thương mại này là 133 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng Gia Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Mấm thì việc xây dựng trung tâm thương mại là hướng đầu tư tất yếu tại các đô thị lớn. Đối với Thái Nguyên, loại hình này vẫn chưa phổ biến như một số tỉnh, thành lớn nên hiệu quả khai thác ban đầu chưa cao. Điều này là hoàn toàn bình thường và nằm trong dự tính của Công ty. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, hình thức kinh doanh này sẽ ổn định, lâu dài và có tác động tích cực về mặt xã hội cũng như đối với Công ty. Và thực tế cũng đã cho thấy, ngày càng có nhiều người thay vì đến nhiều địa điểm để mua nhiều mặt hàng khác nhau, thì nay, họ chỉ cần đến một nơi mà vẫn mua được nhiều thứ mà họ cần. Công ty dự kiến sau năm 2020 sẽ xây thêm 14 tầng nữa để mở rộng ngành nghề kinh doanh và làm chung cư.
Ông Trần Văn Nguyên, ở phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thường đi mua sắm ở những cửa hàng nhỏ nên ít biết đến các chương trình khuyến mại, giảm giá của các hãng. Từ khi một số siêu thị, cửa hàng lớn xuất hiện, tôi bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm của mình. Tôi nhận thấy, khi đến các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, người mua được đón tiếp, tư vấn tốt hơn và đặc biệt là trong khi giá bán cơ bản như nhau (cũng có mặt hàng đắt hoặc rẻ hơn nhưng không đáng kể) thì ở các siêu thị, cửa hàng lớn, chính sách chăm sóc khách hàng sau bán hàng lại tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra, khi mua ở các cửa hàng lớn, tôi cảm thấy yên tâm về mặt chất lượng, không lo hàng nhái, hàng giả vì có nhân viên của hãng bán trực tiếp bán tại đó. Tôi cho rằng, việc phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ theo hướng đầu tư lớn hiện nay trên địa bàn đang và sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là với người tiêu dùng.
Có thể thấy rằng với việc xuất hiện ngày càng nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng có quy mô lớn không những góp phần giúp diện mạo đô thị trở nên khang trang, hiện đại hơn mà người dân cũng dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc mua sắm và được phục vụ chu đáo, tận tình hơn. Riêng cá nhân tôi còn thấy yêu hơn, tự hào hơn về mảnh đất mình đang sống. Giờ đây khi bạn bè, người thân của tôi từ nơi khác đến, tôi có thể giới thiệu và đưa họ đi chơi, đi ăn, đi mua sắm ở những địa điểm như thế, mà trước đó tôi có rất ít sự lựa chọn.