Nâng cao chất lượng công tác xét xử

15:49, 06/09/2015

Phát huy thành tích đã đạt được trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tòa án Nhân dân (13/9/1945 - 13/9/2015), thời gian tới, Tòa án hai cấp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, góp phần tích cực trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.  

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới đối với đất nước ta - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến và lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước độc lập, dân chủ thực sự của nhân dân. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã nhận định, dưới chế độ thực dân, phong kiến thì “nền tư pháp chủ yếu là một bộ máy đàn áp, một bộ máy bóc lột tư sản. Vì vậy, nhiệm vụ tuyệt đối của cách mạng vô sản không phải là cải cách các chế định tư pháp... mà là hủy bỏ hoàn toàn, phá hủy đến tận gốc rễ nền tư pháp cũ và bộ máy Nhà nước”. Chính vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước ta đã khẩn trương xây dựng bộ máy Nhà nước cách mạng, trong đó có các Tòa án cách mạng nhằm đè bẹp sức phản kháng của bọn thực dân, phong kiến đã bị lật đổ nhưng chưa từ bỏ âm mưu chống phá Nhà nước non trẻ của chúng ta. Xuất phát từ nhiệm vụ chiến lược đó, ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 33C thiết lập các Tòa án quân sự, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án Nhân dân (TAND). Thực hiện Sắc lệnh này, trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã thiết lập các Tòa án quân sự với nhiệm vụ “xét xử tất cả các người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

 

Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Tòa án hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thái Nguyên là một trong số ít các đơn vị hành chính trong cả nước được thành lập Tòa án cách mạng sớm nhất. Theo tài liệu lịch sử, Tòa án quân sự Thái Nguyên được thành lập ngày 26-9-1945 và đảm nhiệm việc xét xử án của các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.

 

Quá trình diễn biến của lịch sử theo yêu cầu của cách mạng việc sáp nhập, chia tách tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn và sự thay đổi việc quản lý các TAND địa phương về mặt tổ chức đã có ảnh hưởng nhất định đến tổ chức và hoạt động của Tòa án. Mặc dù công tác quản lý TAND cấp huyện về tổ chức qua từng thời kỳ có nhiều biến đổi, nhưng trong 70 năm qua, các đơn vị Tòa án cấp huyện luôn được củng cố về tổ chức và ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, đội ngũ Thẩm phán, qua các thời kỳ không ngừng được bổ sung về số lượng và chất lượng. Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Tòa án tỉnh luôn chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ... Thường xuyên quan tâm đến công tác bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho các vị Hội thẩm thuộc Tòa án hai cấp của tỉnh.

 

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Tòa án tỉnh, trong thời gian qua các đơn vị thuộc Tòa án hai cấp của tỉnh nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình, đã có nhiều cố gắng, bám sát nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện tốt công tác chuyên môn được giao. Trong những năm gần đây số lượng các loại vụ án có xu hướng gia tăng, hàng năm Tòa án hai cấp tỉnh Thái Nguyên phải giải quyết hơn 4.500 vụ án các loại. Tính từ năm 2010 đến nay Tòa án hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã giải quyết 22.158 vụ án các loại.  

 

Đánh giá về công tác của Tòa án hai cấp của tỉnh, tại Hội nghị tổng kết hàng năm, lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh và lãnh đạo TAND Tối cao đều ghi nhận là Tòa án hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã có rất nhiều cố gắng, tận tâm, tận tụy và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, thực hiện nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước, giải quyết tốt các loại vụ án, công tác xét xử của Tòa án hai cấp tỉnh đã góp phần tích cực trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự đánh giá đúng mức này là nguồn động viên khích lệ to lớn đối với toàn thể cán bộ, công chức và đó cũng là niềm tự hào của Tòa án hai cấp tỉnh Thái Nguyên trong 70 năm qua.

 

Trên cơ sở kết quả thành tích đã đạt được, nhất là những năm gần đây thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã có sự đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ, nhiều tập thể, cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tích cực, nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa, thể thao, ủng hộ từ thiện và các hoạt động khác do TAND Tối cao và địa phương phát động. TAND tỉnh đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao và Chủ tịch UBND tỉnh, Cờ thi đua của TAND Tối cao và UBND tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, nhiều tập thể và cá nhân thuộc Tòa án hai cấp có thành tích tiêu biểu xuất sắc đã được khen thưởng: 2 tập thể được tặng Cờ thi đua TAND, 22 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua TAND, 1 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 3 tập thể; 7 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 3 tập thể, 8 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể đã có sự phối hợp tốt với Thủ trưởng cơ quan thực hiện tốt điều lệ của Đảng và sự lãnh đạo của cấp trên. Chú trọng việc xây dựng cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, các tổ chức đoàn thể của cơ quan vững mạnh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

 

Sở dĩ Tòa án hai cấp của tỉnh đạt được nhiều thành tích và kết quả như vậy, trước hết là do có sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của cấp uỷ, sự quan tâm, giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của TAND Tối cao trong việc đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, sự cộng tác giúp đỡ có hiệu quả của các cấp chính quyền ở địa phương và các cơ quan, tổ chức. Tiếp đó phải nói đến công lao đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ và Hội thẩm nhân dân, ngành Tòa án đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Phát huy thành tích đã đạt được, thời gian tới, Tòa án hai cấp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án, đảm bảo phán quyết của Tòa án đúng pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng việc tranh tụng tại phiên tòa, coi đây là khâu đột phá trong thực hiện cải cách tư pháp. Làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, tăng cường đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính; tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động; các trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đúng quy định của pháp luật; các vụ án được giải quyết kịp thời đảm bảo đúng luật định. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, biệt phái cán bộ, thẩm phán để kịp thời bổ sung cho các đơn vị. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động Tòa án trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm túc “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức TAND”; xử lý nghiêm các trường hợp để vụ án quá thời hạn giải quyết do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, Chỉ thị số 03/2014/CT-CA ngày 11-6-2014 của Chánh án TAND Tối cao về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống TAND; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp của tỉnh phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm được giao.