Hồ Núi Cốc là địa danh nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên và cả nước. Xét về tính hữu dụng, đâykhông chỉ đơn thuần là một công trình thủy nông mà nó đang đem lại đa lợi ích cho tỉnh, nhất là về du lịch và cung cấp nguồn nước phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Điều này lý giải vì sao khi công trình này bị tác động dù là tích cực hay tiêu cực thì đều nhận được quan tâm đặc biệt của nhân dân…
Lựa chọn phương án tối ưu
Dù đề cập đến mục tiêu kinh tế hay xã hội thì việc nạo vét hàng chục triệu mét khối hỗn hợp chất lắng đọng dưới lòng hồ Núi Cốc sau hơn 30 năm tích tụ là điều cần làm và thực hiện sớm ngày nào tốt ngày đó. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, hiện dưới lòng hồ Núi Cốc đang có khoảng 12 triệu mét khối hỗn hợp chất bao gồm: bùn, cát, đá, rác… Hỗn hợp chất rắn này bị bồi lấp theo thời gian đã tạo thành những khối dày tới vài mét nên hàng ngày phân hủy, sinh ra nhiều loại khí độc (như: NH3, CH4, NO2, H2S) và các loại vi sinh vật gây hại cho con người. Cùng với đó, lượng hỗn hợp chất bồi lắng gia tăng sẽ làm giảm dần khả năng tích nước và hạn chế việc đi lại của các phương tiện đường thủy trong những ngày hồ Núi Cốc cạn nước. Thêm một vấn đề nữa là trong hỗn hợp chất lắng đọng dưới lòng hồ có hàng triệu mét khối cát, sỏi, đá được bồi lấp, rất cần cho nhu cầu xây dựng của người dân trong tỉnh. Để giải quyết “cơn khát” vật liệu xây dựng, nhiều doanh nghiệp đã đưa hàng đoàn xe tải trọng lớn đi thu mua cát, sỏi từ Tuyên Quang, Hà Nội về Thái Nguyên phân phối với giá rất cao (vì phải cộng thêm chi phí vận chuyển). Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự xuống cấp nghiêm trọng của Quốc lộ 37 và một số tuyến đường nội tỉnh khác. Do vậy, xét về nhiều góc độ thì việc nạo vét lòng hồ Núi Cốc cần được thực hiện và đây là việc làm mang lại nhiều lợi ích…
Từ thực tế cho thấy, vấn đề nạo vét lòng hồ Núi Cốc không phải đến thời điểm này mới được các cơ quan chuyên môn của tỉnh đề nghị giải quyết mà cách đây vài năm, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã đề xuất với UBND tỉnh phương án nạo vét lòng hồ. Tuy nhiên, sau khi giao cho các cơ quan chuyên môn thẩm định, đánh giá thì thấy nguồn kinh phí đầu tư thực hiện công việc này quá lớn, ngân sách địa phương lại chưa thể giải quyết được nên việc nạo vét lòng hồ đã phải tạm dừng lại.
Cách đây vài năm, việc khai thác cát, sỏi trên hồ Núi Cốc diễn ra khá rầm rộ với sự tham gia của hàng trăm tổ chức, cá nhân và hậu quả là môi trường nước bị ô nhiễm nặng nề do dầu mỡ thải từ các loại phương tiện cũ nát, lượng bùn, tạp chất bị khuấy đục thường xuyên; cảnh quan hồ Núi Cốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xã nào ở ven hồ cũng có bến tập kết vật liệu xây dựng. Đặc biệt là các loại phương tiện hút cát, sỏi hoạt động khắp mặt hồ nên thường trực nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy…
Do quá bất cập nên UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền T.P Thái Nguyên, huyện Phổ Yên và huyện Đại Từ tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ngừng hoạt động khai thác cát, sỏi trên hồ Núi Cốc. Tuy nhiên, trước nguồn lợi đem lại từ hoạt động khai thác cát, sỏi nên không có trường hợp nào tự nguyện ngừng hoạt động mà chuyển sang khai thác lén lút vào ban đêm, ngày nghỉ. Chỉ đến khi tỉnh tổ chức các đoàn liên ngành thực hiện nhiều đợt truy quét thì việc khai thác cát, sỏi không phép trên hồ Núi Cốc mới chấm dứt. Như vậy, việc để nhiều tổ chức, cá nhân tự do thực hiện việc khai thác cát, sỏi trên hồ Núi Cốc sẽ khó quản lý. Mục tiêu nạo,vét làm trong sạch lòng hồ chỉ có kết quả nửa vời vì ngoài cát, sỏi các tổ chức, cá nhân không thực hiện việc hút bùn, tạp chất để di chuyển đến nơi xử lý phù hợp…
Trước những lợi ích của việc nạo vét lòng hồ Núi Cốc, trong tháng 10 và tháng 11-2013, UBND tỉnh đã có các văn bản gửi Bộ Nông nghiệp - PTNT, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị xin ý kiến về triển khai Dự án nạo vét bùn, cát; duy tu luồng hàng hải tại hồ Núi Cốc và đã nhận được sự đồng ý. Từ đó, UBND tỉnh đã đưa ra chủ trương xã hội hoá việc nạo vét lòng hồ Núi Cốc để huy động nguồn lực xã hội thực hiện Dự án tốn kém này và đã có một số doanh nghiệp đề nghị được tham gia. Đơn cử như Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô đề nghị thực hiện Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm nên UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận. Song, do chi phí nạo vét hàng chục triệu mét khối hỗn hợp chất dưới lòng hồ và phân tách, xử lý chất thải lên đến vài chục tỷ đồng trong khi đơn vị gặp khó khăn nên Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng đã chính thức có văn bản gửi UBND tỉnh xin ngừng thực hiện Dự án. Tiếp đó, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Khoáng sản Đại Việt có văn bản đề nghị thực hiện Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm. Sau khi giao cho 11 cơ quan chuyên môn của tỉnh và các địa phương liên quan nghiên cứu đề nghị của nhà đầu tư; thẩm định, kiểm tra năng lực tài chính, chuyên môn, ngày 26-8-2014, UBND tỉnh đã chấp thuận để đơn vị này thực hiện Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm trên tổng diện tích 1.452,33ha. Trong đó, diện tích nạo vét lòng hồ là 1.316,17ha; diện tích luồng lạch vận chuyển là 75,85ha; diện tích bãi kho, bãi tập kết 37,34ha…
Bảo đảm lợi ích hài hòa
Sau khi hoàn tất thủ tục đầu tư, đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật và chi phí khoảng 60 tỷ đồng xây dựng nhiều hạng thiết yếu, đầu tư các loại thiết bị chuyên dụng phục vụ khai thác, kinh doanh, đầu tháng 8 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Khoáng sản Đại Việt đã đưa tầu cuốc ra hồ Núi Cốc thực hiện việc nạo vét. Sau khoảng hơn 1 tháng vận hành, đơn vị này đã khai thác được khoảng 5.000m3 cát, sỏi và hút được lượng lớn bùn, tạp chất để đưa vào khu vực bãi thải. Ông Trần Hoài Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Khoáng sản Đại Việt cho biết: Được sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định và các điều kiện cần thiết để bắt tay vào sản xuất. Hiện đơn vị mới hoàn thành 2 tầu cuốc CT91 để đưa ra hồ nạo vét tổng hợp các chất sau đó đưa về khu tập kết tại xã Phúc Xuân để phân loại, tuyển rửa. Trong hỗn hợp chất, cát, sỏi chiếm khoảng 30%, còn lại là đá quá cỡ, bùn, rác… Hiện nay, mỗi ngày đơn vị chúng tôi khai thác được từ 200m3 đến 300m3 cát, sỏi nhưng khi đầu tư đủ phương tiện công suất sẽ tăng lên khoảng 600m3/ngày. Tìm hiểu tại khu sản xuất tập trung của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Khoáng sản Đại Việt tại xã Phúc Xuân, chúng tôi thấy nhiều hạng mục công trình được đầu tư phục hoạt động khai thác, như: Khu nhà ở công nhân và văn phòng điều hành; hệ thống đường nội bộ; bãi neo đậu tầu, sà lan; bãi trữ sản phẩm; bãi tập kết chất thải… Đơn vị này cũng đã tuyển dụng được trên 60 lao động (chủ yếu là người địa phương) và tổ chức đào tạo để phục vụ các công đoạn sản xuất, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm đã từng bước khả thi, giải quyết được việc làm cho người động và chủ đầu tư cam kết sẽ đóng góp tối thiểu 19 tỷ đồng vào ngân sách của tỉnh trong 15 năm hoạt động.
Chủ đầu tư Dự án đã xây dựng 2 khu vực chứa chất thải với diện tích 20,37ha.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng khối lượng hỗn hợp chất nạo vét lên khỏi lòng hồ Núi Cốc dự kiến lên đến 11 triệu mét khối nên ngoài cát, sỏi được tiêu thụ phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh sẽ còn khoảng 5,1 triệu m3 chất thải rắn. Khối lượng chất thải này nếu không được giải quyết triệt để sẽ gây hậu quả xấu tới môi trường. Ông Đinh Công Thịnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty THHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết: Qua 3 lần đi kiểm tra trực tiếp hoạt động nạo vét lòng hồ Núi Cốc do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Khoáng sản Đại Việt thực hiện, tôi thấy chưa có vấn đề gì đáng lo ngại. Nhưng về lâu dài chất thải tập kết sẽ tăng nhanh và buộc phải có hướng vận chuyển đi nơi khác hoặc phương án xử lý tại chỗ thích hợp để không ảnh hưởng tới môi trường. Đối với các loại phương tiện hoạt động trên hồ phải thực hiện nghiêm quy định luồng lạch để hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động du lịch và phòng ngừa tai nạn giao thông. Còn ông Nguyễn Bá Chính, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản (Sở Tài nguyên - Môi trường) thông tin thêm: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị này đánh giá tác động môi trường và tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên đối với chủ đầu tư Dự án này.
Các loại phí, thuế trong Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi cùng đang được các ngành của tỉnh phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để tính toán trên khối lượng thực tế khai thác được. Riêng về vấn đề nộp ngân sách, hiện Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản và Khoáng sản Đại Việt chưa có trụ sở tại Thái Nguyên nên vẫn nộp thuế qua Cục thuế T.P Hà Nội (số thuế, phí đơn vị này đã nộp sau khi khai thác được 5.000m3 cát, sỏi là 100 triệu đồng). Trao đổi với chúng tôi về các vấn đề này, ông Trần Hoài Vũ cho biết thêm: Chúng tôi đã hoàn tất thủ tục để lập chi nhánh công ty tại Thái Nguyên và ngay khi đủ điều kiện hoạt động sẽ chuyển nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường thuộc Dự án qua Cục thuế tỉnh. Đối với việc xử lý chất thải, đơn vị đang chuẩn bị phương án liên kết với các nhà đầu tư khác hoặc chủ động xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ để tận dụng triệt để lượng bùn, rác hút lên từ lòng hồ…
Nếu việc nạo vét lòng hồ Núi Cốc chỉ đặt ra mục tiêu khai thác tài nguyên là cát, sỏi thì buộc phải đấu giá quyền khai thác theo quy định của pháp luật. Song, đây là Dự án có 2 mục tiêu gồm khai thác tài nguyên và giải quyết vấn đề môi trường nên không chỉ vì lợi nhuận kinh tế mà còn có tính xã hội cao. Do vậy, các cơ quan chức năng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai Dự án còn cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường và thực hiện nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước.