Cục thuế T.P Hà Nội vừa thông tin: Sau khi cơ quan này mạnh dạn công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách 268 đơn vị nợ thuế kéo dài với số lượng lớn thì trong thời gian ngắn đã có 175 đơn vị nộp phần thuế đã nợ với số tiền lên đến 1.104 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Từ đó, Cục thuế T.P Hà Nội xác định: Trong tổng số đơn vị nợ thuế không phải tất cả đều quá khó khăn về kinh tế mà có trường hợp chây ỳ, chốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Đối với tỉnh ta, mới đây ngành Thuế cũng đã công khai “danh tính” của 20 doanh nghiệp nợ thuế kéo dài với số tiền lên đến gần 200 tỷ đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin này khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân có ý kiến khác nhau. Một bộ phận cho rằng kinh tế suy thoái đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên việc nợ thuế là khó tránh khỏi. Nhưng phần đông ý kiến người dân cho rằng: Trong số 20 doanh nghiệp nợ thuế đã được Nhà nước cho thuê đất với diện tích lớn để xây dựng trụ sở, nhà xưởng và cấp nhiều mỏ khai thác khoáng sản; được phép tham gia thi công nhiều công trình, dự án lớn của tỉnh và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về vốn vay; miễn, giảm thuế của Nhà nước. Vậy tại sao vẫn còn nhiều trường hợp doanh nghiệp nợ thuế kéo dài lên đến gần 200 tỷ đồng. Điều người dân bức xúc nữa là sau khi đăng thông tin nợ thuế nhưng cả 20 doanh nghiệp nêu trên vẫn chưa chịu nộp một đồng tiền nào số trong số thuế đang nợ.
Từ đó, dư luận đề nghị: Ngành Thuế và cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh nên tiếp tục có chính sách giúp đỡ để số doanh nghiệp nợ thuế phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cũng phải có những biện pháp thật mạnh để truy thu, không thể để thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước. Đặc biệt, ngành Thuế nên thường xuyên công khai số đơn vị nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân cùng tham gia giám sát.