Phát triển kết cấu hạ tầng: Từ cái nhìn của nhà quy hoạch

15:02, 08/09/2015

Chúng ta đã biết, tại kỳ họp mới đây của HĐND tỉnh, Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh với tầm nhìn đến năm 2030 đã được thông qua. Vậy, phải chăng thời gian qua chúng ta phát triển hạ tầng mà không có quy hoạch và sự phát triển đó chỉ là tự phát, cảm tính? Và thành quả xây dựng hạ tầng bấy lâu của tỉnh chỉ như những lát cắt chưa trọn vẹn?

Theo các nhà chuyên môn, ở một chừng mực nào đó thì vấn đề không hẳn thế, bởi dù thời gian qua tỉnh ta chưa có quy hoạch tổng thể nhưng xây dựng hạ tầng vẫn được tuân thủ theo hệ thống các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và liên vùng có sẵn. Chỉ có điều, nếu xây dựng dựa trên một nền tảng quy hoạch tổng thể thì hạ tầng sẽ phát triển mạch lạc, đồng bộ và bền vững hơn.

 

Có dịp sang tỉnh Vĩnh Phúc công tác gần đây, qua câu chuyện của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi mới thấy hết được tầm quan trọng của việc quy hoạch và quản lý quy hoạch hạ tầng. Dù mới chỉ là đô thị loại II nhưng thành phố Vĩnh Yên, của tỉnh Vĩnh Phúc đang hiện hữu như một bức tranh đa màu sắc và đặc biệt lôi cuốn bởi không gian thoáng đãng với kiến trúc hiện đại. Mọi hạng mục công trình đô thị đều được sắp xếp một cách hợp lý trên nền màu xanh chủ đạo là cây cối, hoa lá. Điểm nhấn đậm nét nhất của đô thị Vĩnh Yên là quảng trường và công viên xanh với diện tích hàng chục héc ta được quy hoạch, xây dựng bài bản. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, trước đây Vĩnh Yên chỉ là một đô thị nhỏ, nghèo nàn, kiến trúc lắt nhắt bởi thiếu quy hoạch tổng thể. Từ khi tách tỉnh (năm 1997), Vĩnh Phúc đã quyết tâm quy hoạch lại toàn bộ thành phố Vĩnh Yên, trong đó tập trung nhiều cho quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị. Mục tiêu của tỉnh là biến Vĩnh Yên thành thành phố hiện đại, nơi "hội tụ - phồn vinh" và là trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng Bắc Bộ.

 

Trở lại vấn đề của chúng ta, công bằng mà nói dù thời điểm này mới có Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng, nghĩa là đi sau một số tỉnh, thành khác cả chục năm, nhưng muộn vẫn hơn không. Mục tiêu mà Quy hoạch đề ra không ngoài yêu cầu để phát triển hệ thống hạ tầng khung của tỉnh, giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, có khi là bức xúc nhằm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ giúp khai thác triệt để các thế mạnh của địa phương, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển khi địa phương trở thành tỉnh công nghiệp.

 

Trong định hướng quy hoạch hạ tầng thì giao thông là lĩnh vực được quan tâm nhất. Theo ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, đến năm 2020, một số tuyến đường trọng yếu qua tỉnh sẽ hoàn thành gồm, đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Định Hóa đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi và một loạt các tuyến cao tốc, quốc lộ khác. Hệ thống đường liên tỉnh sẽ xây dựng tuyến trục ngang nối Thái Nguyên với các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang. Hệ thống đường tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng đường gom Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên qua Khu công nghiệp Yên Bình và đường giao thông đối ngoại Khu tổ hợp Yên Bình. Với hệ thống giao thông đô thị, tập trung cải tạo mở rộng đường nội đô, xây dựng các cầu cứng qua Sông Cầu. Ngoài đề nghị nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, chúng ta sẽ xây mới đường sắt kết nối Thái Nguyên - Núi Hồng, kéo dài sang Tuyên Quang qua Đèo Khế nối với đường sắt Lào Cai. Hệ thống giao thông đường sông được quan tâm với việc mở rộng cụm cảng Đa Phúc, xây dựng các bến tàu phục vụ du lịch trên hồ Núi Cốc. Cùng với đó, trên bộ xây dựng cảng thông quan nội địa (ICD), bến xe khách Trung tâm và hai bến xe khách phía Nam, phía Bắc của thành phố Thái Nguyên...

 

Quy hoạch cũng cho thấy trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm tới sẽ có một loạt thay đổi về kết cấu hạ tầng từ hạ tầng kinh tế đến hạ tầng xã hội, đáng chú ý là đầu tư thành lập mới trường Đại học Quốc tế Thái Nguyên; xây dựng các cơ sở nghiên cứu khoa học trực thuộc các trường đại học, cao đẳng; xây dựng 3 khu xử lý chất thải rắn đạt tiêu chuẩn, 4 nhà máy xử lý nước thải đô thị ở thành phố và các huyện lân cận; xây dựng thêm một số trạm biến áp 220Kv, 110Kv tại những khu vực sản xuất công nghiệp trọng điểm; xây dựng mới chợ vùng Việt Bắc; thành lập thêm Trung tâm tim mạch, Trung tâm ung bướu, nâng cấp Bệnh viên đa khoa của tỉnh với quy mô 1.000 giường...

 

Trong quy hoạch, việc đưa ra lộ trình với tầm nhìn dài hạn là vấn đề đáng quan tâm, nhưng có lẽ quan tâm hơn cả chính là các giải pháp quy hoạch mang tính khả thi. Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh đã và đang được dư luận đặc biệt quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, người dân cũng đặt nhiều câu hỏi về tính khả thi của Quy hoạch khi biết rằng tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng mà Quy hoạch đưa ra là rất lớn. Theo tính toán thì trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng của tỉnh là gần 66 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là trên 110 nghìn tỷ, giai đoạn 2026-2030 là gần 160 nghìn tỷ. Vậy, vốn được huy động thế nào và tỷ lệ sử dụng vốn ngân sách chiếm bao nhiêu?

 

Theo lập luận của Sở Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị tham mưu xây dựng Quy hoạch thì đến năm 2020 dự kiến nguồn vốn trong nước sẽ chiếm 46% tổng vốn đầu tư hạ tầng, sau năm 2020 khu vực kinh tế ngoài Nhà nước sẽ đảm nhận vai trò chính trong đầu tư phát triển hạ tầng và đạt tỷ trọng 48% đến 50% tổng đầu tư hạ tầng vào năm 2030. Tỉnh sẽ khuyến khích đầu tư theo phương thức đầu tư, khai thác, chuyển giao và đầu tư nước ngoài. Như vậy, vốn ngân sách tham gia là rất thấp, chủ yếu là vốn huy động ngoài xã hội. Lập luận cũng cho thấy, ngay trong giai đoạn 2010-2015, tổng đầu tư cho kết cấu hạ tầng của tỉnh đạt trên 127 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại và vốn huy động ngoài xã hội. Nhiều công trình quy mô hàng trăm tỷ đồng nhưng không có một vốn của Nhà nước mà toàn bộ của nhà đầu tư. Trong 5 năm tới, dự kiến ngân sách của tỉnh dành cho đầu tư xây dựng cơ bản cũng chỉ chiếm từ 15% đến 20%. Một lập luận khác cũng cho rằng, kể cả tăng thêm vốn đầu tư từ ngân sách cũng vẫn có thể triển khai được bởi 5 năm tới tình hình thu ngân sách của tỉnh sẽ tăng khá mạnh do có sự đóng góp của các doanh nghiệp vốn FDI...

 

Như vậy, với cái nhìn và lập luận chặt chẽ, khả thi của các nhà quy hoạch, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một diện mạo mới cho kết cấu hạ tầng của tỉnh trong tương lai.