Ngày 25-9, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016 tỉnh Thái Nguyên" (viết tắt là Đề án) đã họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án trong thời gian qua. Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Theo đánh giá, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và ban hành các văn bản triển khai thực hiện Đề án. UBND tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn, triển khai Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và đội ngũ cán bộ, công chức toàn ngành Thanh tra. Ở cấp huyện tổ chức 18 hội nghị tập huấn cho hơn 4.100 đối tượng là lãnh đạo, cán bộ, công chức, các đoàn thể chính trị - xã hội; đồng thời tổ chức 93 hội nghị lồng ghép tuyên truyền về pháp luật khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, hệ thống đài phát thanh - truyền hình từ tỉnh đến huyện và hệ thống loa truyền thanh cấp xã cũng tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Một số địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền thông qua hình thức tủ sách pháp luật đặt tại xã, phường, thị trấn. Việc thực hiện các nội dung của Đề án đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong nhân dân, giúp công dân hiểu biết và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình theo đúng quy định của pháp luật; tình hình khiếu kiện vượt cấp giảm. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, tổng số đơn thư phát sinh trên địa bàn tỉnh giảm 15,7%; số đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước giảm 38,9% so với cùng kỳ năm trước...
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Nhữ Văn Tâm đề nghị trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo nội dung Đề án. Cùng với đó, các cơ quan thông tin báo chí chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường thời lượng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Đề án ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời chuẩn bị các nội dung cần thiết để tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án trong thời gian tới...