Tết Trung thu với trẻ em vùng cao

15:16, 23/09/2015

Cũng như ở thành thị, những ngày này, không khí Tết Trung thu đang rộn ràng tỏa khắp các bản làng, trường học khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Dẫu cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, song tất cả đều cố gắng đem đến cho con em mình một Tết Trung thu nhiều ý nghĩa.

Như đã thành thông lệ, mỗi dịp Trung thu về là cô và trò tại điểm trường Văn La, thuộc Trường Tiểu học xã Lam Vỹ (Định Hóa) lại hào hứng chuẩn bị những tiết mục văn nghệ, tự tay làm đèn ông sao cho đêm hội trăng Rằm. Nào tre, nào nứa, nguyên liệu làm đèn được thầy cô giáo chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Các thầy, cô đang cùng học sinh rộn ràng hoàn thiện những chiếc đèn ông sao của lớp mình để kịp đón đêm trăng Rằm. Em Ma Thị Lệ Thùy, học sinh lớp 4C, Điểm trường Văn La hào hứng: “Em rất thích Trung thu vì được cùng cô giáo làm đèn ông sao, được xem múa lân, ca hát và có nhiều bánh kẹo nữa”.

 

Thầy giáo Nguyễn Công Liệu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lam Vỹ cho biết: “Điểm trường Văn La hiện có 28 học sinh, đa phần đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số và thuộc diện nghèo. Học sinh ở đây thiếu nhiều thứ, cả về vật chất lẫn tinh thần, nên hằng năm, Nhà trường đều chuẩn bị mọi điều kiện để các em có một Tết Trung thu thật nhiều ý nghĩa”.

 

Ở xóm Cà Đơ, xã Lam Vỹ (Định Hóa), các ông bố, bà mẹ dành 1-2 buổi nghỉ lên nương để đi kiếm tre, mua giấy dán về làm đèn ông sao cho con em mình. 16 hộ gia đình ở đây cũng họp bàn nhau góp tiền mua bánh kẹo, đồ chơi, chuẩn bị các chương trình “cây nhà lá vườn” để các em nhỏ được đón Tết Trung thu vui vẻ và đầm ấm. Là một trong những xóm nghèo nhất của huyện nên mỗi dịp Trung thu đến, trẻ em trong xóm nhận được sự quan tâm chu đáo từ các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ từ thiện… Anh Triệu Văn Đạo, Trưởng xóm Cà Đơ nói: “Vì xóm vẫn chưa có đường điện, nhiều hộ gia đình lại cách xa nhà văn hóa, đi lại khó khăn nên chúng tôi tổ chức đón rằm trung thu cho các cháu vào chiều ngày 15-8 (âm lịch). Dù đơn giản nhưng cũng không kém phần nhộn nhịp, các cháu rất háo hức, mong chờ đến ngày rằm”.

 

Không sôi động như thị trường thành phố nhưng ở các vùng quê, việc làm đèn lồng để bán trong dịp Tết Trung thu cũng được một số gia đình quan tâm. Chúng tôi đến chợ thị trấn Đình Cả (Võ Nhai), được người dân giới thiệu vào nhà anh Nguyễn Văn Chú (cách chợ chừng 50 mét) người làm đèn lồng lâu năm ở đây. Đang hoàn thiện những chiếc đèn lồng đem bán, anh Chú cho biết: “Gia đình tôi có kinh nghiệm làm đèn Trung thu hơn 10 năm nay. Trung thu này, tôi làm hơn 1.000 chiếc đèn ông sao chủ yếu theo đơn đặt hàng từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn… Giá trung bình từ 4 nghìn - 6 nghìn đồng/chiếc loại nhỏ, còn loại to thì từ 100 nghìn đồng - 150 nghìn đồng/chiếc. Năm nay, gia đình tôi cũng dành tặng hơn 100 chiếc đèn ông sao cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn của huyện, mong muốn góp phần đem lại niềm vui tặng các em trong đêm Rằm”.

 

Tại xã Tràng Xá (Võ Nhai), không khí chuẩn bị cho Tết Trung thu cũng đang diễn ra nhộn nhịp. Tại nhiều thôn, bản với sự tham gia của lực lượng đoàn thanh niên cùng các em nhỏ cũng đang chuẩn bị mâm cỗ hoa quả, đèn lồng và các đồ chơi truyền thống khác cho ngày hội trăng Rằm. Anh Hoàng Ngọc Thịnh, Bí thư Đoàn thanh niên xã Tràng Xá cho biết: “Trên địa bàn 20 xóm thuộc xã Tràng Xá có khoảng trên 2.000 em thiếu niên, nhi đồng. Để các em được đón một đêm Trung thu thật vui vẻ và bổ ích, Đoàn xã đã xây dựng kế hoạch và kịch bản chi tiết về việc tổ chức “Đêm hội trăng Rằm” cho thiếu nhi gửi cho các chi đoàn, đồng thời Đoàn xã cũng tổ chức một số mô hình điểm với sự tham dự của lãnh đạo địa phương để các chi đoàn tham khảo và làm theo”.

 

Tết Trung thu đã đến, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, nhà trường và gia đình, mong rằng các em nhỏ vùng sâu, vùng xa sẽ được đón một cái Tết Trung thu thật nhiều ý nghĩa.