Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

15:39, 22/09/2015

Ngày 22-9, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21-2-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”  (viết tắt là Kết luận số 56-KL/TW).

Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã dần được phục hồi, phát triển; xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập của các thành viên. Thống kê cho thấy, năm 2013, đóng góp của khu vực HTX vào GDP cả nước đạt 5,05% (tăng 0,5% so với năm 2012), trong khi tỷ lệ vốn đầu tư chỉ chiếm 0,6% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Đây là lần đầu tiên trong gần 20 năm trở lại đây, đóng góp của khu vực HTX vào GDP tăng cao hơn so với năm trước. Năm 2014, mức đóng góp vào GDP của khu vực HTX đạt 5,15% (tăng 0,1% so với năm 2013); tổng doanh thu đạt 26.400 tỷ đồng (tăng 2.460 tỷ đồng). Tính đến tháng 12-2014, cả nước có gần 143.000 tổ hợp tác đang hoạt động (với trên 1,5 triệu thành viên) và hơn 18.800 HTX (với trên 7.386.000 thành viên); tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là trên 1.585.000 người (tăng hơn 57.400 người so với năm 2013)… Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, HTX cũng còn một số tồn tại cần được khắc phục, như: Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả chưa cao; một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Khu vực kinh tế tập thể còn phát triển chậm, tồn tại nhiều yếu kém…  

 

Tham luận tại Hội nghị, đại diện nhiều tỉnh, thành phố đã đề xuất cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển kinh tế tập thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về mô hình HTX kiểu mới; có giải pháp đột phá trong khâu đào tạo cán bộ lãnh đạo HTX; giảm thuế thu nhập cho các HTX xuống 10% (thay vì 20% như hiện nay)...

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định: Trong những năm gần đây, kinh tế tập thể đã phát huy vai trò trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, góp phần tạo sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế của đất nước. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, quán triệt và đổi mới phương thức triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành Luật HTX, thường xuyên rà soát các văn bản đã ban hành để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả cao; tiếp tục triển khai những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, nhất là các HTX; kiện toàn, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý, tăng cường chức năng, nhiệm vụ của Liên minh HTX trong phát triển kinh tế…