Trị bệnh cứu người là mục tiêu cao cả

15:45, 23/09/2015

Chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền, những bài thuốc hay, cây thuốc quý, họ cũng là “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận giữ gìn sức khỏe cho nhân dân bằng Đông y. Với quan điểm “y học là y đạo”, các thầy thuốc của Hội Đông y tỉnh dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng luôn mang trong mình phẩm chất nhân văn, lấy trị bệnh cứu người là mục đích cao nhất...

Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm hoạt động vừa qua của Hội Đông y tỉnh, điều được những người làm công tác chữa bệnh bằng Đông y lấy làm tâm đắc nhất là Chỉ thị số 24-CT/TW ban hành ngày 4-7-2008 của Ban Bí thư Trung ương “Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” đã đi vào cuộc sống. Từ đó, lãnh đạo Hội Đông y cấp cơ sở được hưởng phụ cấp hàng tháng. Sự quan tâm đó đã khích lệ các cán bộ, hội viên hành nghề y học cổ truyền, làm cho hoạt động của Hội ngày càng phát triển.

 

Quan điểm “Nam dược trị Nam nhân” (dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người nước Nam) của Thiền sư Tuệ Tĩnh - ông tổ nghề thuốc Nam - trải qua nhiều thế kỷ, vẫn là phương châm hoạt động của các lương y Thái Nguyên. Khái quát về hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2010-2015, Thạc sĩ Thái Văn Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh đã gói gọn trong mấy chữ: “Hành nghề, truyền nghề và kế thừa”. Với số hội viên hiện nay là 2.425 người (tăng 755 người so với đầu nhiệm kỳ), ở các huyện, thành, thị và gần 100% các xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có tổ chức Hội hoạt động, là chỗ dựa tin cậy cho người dân ở thành thị cũng như nông thôn trong việc chăm sóc sức khỏe. Những con số sau đây đã chứng minh cho việc hành nghề bằng thuốc nam đã và đang được nhiều người dân tin dùng: 5 năm qua đã có gần 1,2 triệu lượt người đến các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) Đông y để thăm khám bệnh. Trong đó, gần 400 nghìn lượt người không dùng thuốc; số còn lại đã dùng 10.400 lít rượu thuốc, 7.232kg thuốc hoàn tán, 9.333 lít cồn xoa bóp... Không chỉ ngồi chờ bệnh nhân đến KCB, các thầy thuốc còn đến tận xóm, bản khám bệnh miễn phí, giảm tiền thuốc cho những bệnh nhân nghèo, thuộc diện gia đình ượng chính sách. Nhiều hội viên ủng hộ hàng triệu đồng cho công tác KCB từ thiện, như Bác sĩ Nguyễn Quang Thông, các lương y Nguyễn Thị Việt Thanh, Vi Thị Hải Yến, Vũ Quý Hưng (T.P Thái Nguyên), Lê Đức Nam (T.P Sông Công). Đã có gần 110 nghìn lượt người được KCB từ thiện, với số tiền thuốc trị giá hơn 1,6 tỷ đồng. Vì thế, Hội Đông y tỉnh đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen về hoạt động nhân đạo năm 2014.

 

Để phục vụ KCB kịp thời, các hội viên đã chủ động nuôi trồng dược liệu. Tiêu biểu như Hội Đông y huyện Phú Bình, ngoài nguồn dược liệu sẵn có trong thiên nhiên mỗi năm khai thác được hàng chục ngàn tấn, có 90% hội viên nuôi trồng dược liệu tại nhà, tự cung tự cấp khoảng 50-60 tấn dược liệu các loại/năm. Tiêu biểu như lương y Trần Minh Ngọc (thị trấn Hương Sơn) thu hoạch 7 tạ cà gai leo, 1,2 tạ cây thìa canh/năm; lương y Hoàng Thị Đoạt (xã Thượng Đình) thu 2,5 tấn nhân trần và kim tiền thảo; lương y Hoàng Thị Luyễn (xã Tân Hòa) trồng cà gai leo, phèn đen thu gần 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, Hội Đông y xã Dương Thành có 90% hội viên chăn nuôi và sản xuất hàng năm khoảng 10 tấn cao ngựa dùng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe.

 

Dù là huyện vùng cao của tỉnh, Hội Đông y Võ Nhai lúc đầu chỉ có 14 hội viên, đến nay đã phát triển lên 74 hội viên; 100% các xã, thị trấn có chi hội. Toàn huyện hiện có 20 vườn thuốc nam với 970 cây thuốc thông thường, trên 130 cây thuốc quý sưu tầm của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan. Tiêu biểu như vườn thuốc của các lương y Nguyễn Công Vàng, Tô Thị Hiên, Hoàng Văn Noọng, Trần Thị Thắm… Điều đáng nói là trong 5 năm qua, hơn 1,2 triệu bệnh nhân được chữa bệnh bằng Đông y không có trường hợp nào bị tai biến đáng tiếc.

 

Bên cạnh nhiệm vụ hành nghề, nhiệm vụ truyền nghề là cũng là mảng việc rất quan trọng của Hội Đông y tỉnh. Trong hoàn cảnh tỉnh chưa có nhiều cơ sở đào tạo về Đông y thì vai trò của Hội càng được phát huy. Trung bình mỗi năm Hội mở 3 lớp bồi dưỡng chuyên môn cho các lương y và con cháu họ. 5 năm qua đã có gần 1 nghìn người được đào tạo về châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và các kiến thức Đông y. Hội còn phối hợp với Sở Y tế, Trạm chống lao mở 6 lớp tập huấn cho 310 người về phát hiện, chẩn đoán bệnh lao, phòng chống HIV/AIDS, sốt. Hội còn tổ chức 5 hội thảo cấp tỉnh, 21 hội thảo cấp huyện, 315 buổi tọa đàm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Việc truyền nghề liên quan đến kế thừa các bài thuốc quý. Thiên nhiên ưu đãi cho chúng ta nhiều loại cây - con làm thuốc chữa bệnh. Trên vùng núi cao, không ít ông lang, bà mế lưu truyền nhiều phương pháp chữa bệnh hay. Hội đã vận động 270 hội viên truyền thụ bài thuốc hay, cây thuốc quý, tham gia xét duyệt công nhận 47 bài thuốc gia truyền, tập hợp được 265 bài thuốc hay có giá trị của bà con dân tộc thiểu số. Các hội viên còn tích cực nghiên cứu, tìm ra nhiều bài thuốc hay, có tính ứng dụng lớn hơn trong trị bệnh cứu người.

 

Nhiệm kỳ qua, Hội đã có 5 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, 54 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, 3 sáng kiến chuyên môn. Đề tài: “Điều tra khảo sát các vị thuốc và đánh giá hiệu quả điều trị của ba bài thuốc nam kinh nghiệm chữa sỏi đường tiết niệu” được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc; đề tài “Quản lý, bảo tồn nhằm phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn” được đánh giá loại khá.

 

Mặc dù đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam và UBND tỉnh tặng thưởng nhiều Bằng khen ghi nhận kết quả hoạt động, nhưng nhìn lại 5 năm qua, Thạc sĩ Thái Văn Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cũng bày tỏ nhiều trăn trở. Đó là nghiệp vụ công tác hội ở cơ sở còn chưa tốt, chức năng tham mưu với chính quyền địa phương còn yếu nên sự quan tâm ở nhiều nơi chưa đầy đủ. Có lẽ vì thế mà đến nay vẫn còn 16 xã, phường chưa có tổ chức hội hoạt động; còn có Hội Đông y cấp huyện chưa có văn phòng làm việc; công tác phối hợp với trạm y tế cấp xã chưa đạt kết quả mong muốn. Tỷ lệ hội viên được cấp giấy phép hành nghề mới khoảng 20%, nhiều người chưa đủ tiêu chuẩn vẫn mở phòng chẩn trị hoạt động công khai làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội. Nguy cơ thất truyền một số bài thuốc quý cũng đang hiện hữu khi nhiều lương y “giữ khư khư” bảo bối gia đình, không truyền lại cho con cháu chứ chưa nói đến cho người ngoài. Trong khi Hội không có kinh phí để mua lại những bài thuốc đáng giá trên.

 

Nhìn lại những thuận lợi, khó khăn để định hướng tốt cho nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Hội Đông y tỉnh đã xác định cần tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Hội trong hệ thống chính trị - xã hội của tỉnh. Về một số mục tiêu cụ thể là: Phủ kín 180/180 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội hoạt động; phát triển thêm ít nhất 400 hội viên mới; mở 15 lớp bồi dưỡng chuyên môn; số người KCB tăng 5-10% so với nhiệm kỳ trước; tổ chức 300 hội thảo, tọa đàm các cấp về bài thuốc hay, cây thuốc quý; thực hiện 1-2 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, 40 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. Với những giải pháp tích cực, mục tiêu của Hội Đông y tỉnh là xây dựng hội vững mạnh, hội viên sống được bằng nghề, giảm nhập khẩu và khai thác thuốc tự nhiên.

 

Với quan điểm “y học là y đạo” (Hải Thượng Lãn Ông), các thầy thuốc Đông y dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng luôn mang trong mình phẩm chất nhân văn, lấy trị bệnh cứu người là mục đích cao nhất. Hội Đông y của tỉnh đang khẳng định vai trò cần thiết trong việc tập hợp, nuôi nhiệt huyết của đội ngũ những thầy thuốc, từ đó góp phần giữ gìn, phát huy nền y học ông cha để lại.