Lâu nay, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) được biết đến là vùng chè đặc sản của tỉnh. Đến nơi này vào những ngày người dân đang hái chè trên nương, chúng tôi được thưởng thức chén trà thơm ngát, sóng sánh, dư vị ngọt đượm còn lưu lại trên đầu lưỡi…
Thị trấn Sông Cầu nên thơ với những đồi chè bát úp đang trổ búp xanh ngút mắt. Tiếp chúng tôi, đồng chí Vũ Xuân Thái, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Sông Cầu có điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước phù hợp để phát triển cây chè; 70% số hộ ở đây đã gắn bó với cây chè từ những năm 1960 nên đến nay có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc và chế biến chè. Trước kia, người dân quen với giống chè trung du, tuy dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng giá trị sản phẩm không cao. Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trồng chè, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ XXII và XXIII đều xác định chè là cây kinh tế mũi nhọn và định hướng xây dựng sản phẩm chè của địa phương trở thành đặc sản. Để làm được điều đó, thị trấn đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế giống chè trung du truyền thống bằng các giống chè cành có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn. Đến nay, các hộ dân ở cả 11 xóm của thị trấn đều trồng, chế biến chè, với tổng diện tích đất trồng chè là gần 500ha, trong đó có hơn 100ha chè giống mới cho năng suất, chất lượng cao (như: LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI 777, Bát Tiên, chè Nhật…).
Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân có hướng đi đúng trong chuyển đổi cách thức chăm sóc, chế biến chè, thị trấn đã nhiều lần phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng của huyện mở lớp tập huấn sản xuất chè sạch, chè đặc sản cho bà con, đồng thời đưa người dân đi tham quan tại các mô hình làm chè đặc sản ở vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Trại Cài (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ)... Từ đó, người dân thị trấn Sông Cầu đã thay đổi tư duy cũng như cách làm chè. Trước kia, bà con thường hái chè búp dài để bán chè tươi; phun thuốc hóa học diệt trừ sâu bệnh trên cây chè và chưa tuân thủ các quy trình chế biến, bảo quản sản phẩm chè. Nhưng hiện nay, người dân đã tuân thủ việc trồng, chăm sóc và chế biến chè theo quy trình sạch. Đây chính là giải pháp hữu hiệu để sản phẩm chè của địa phương tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi tìm đến xóm 9, nơi người dân tích cực chuyển đổi từ phương pháp sản xuất chè truyền thống sang làm chè sạch. Dẫn chúng tôi đi thăm các nương chè ngay hàng, thẳng lối, sạch cỏ, xanh tốt, ông Nguyễn Đức Trọng, trưởng làng nghề chè xóm 9 chia sẻ: Bà con ở đây rất có ý thức trong việc chăm sóc diện tích chè của gia đình nên từ đầu năm đến cuối năm, lúc nào các nương chè cũng sạch sẽ, xanh tốt. Với diện tích trên 70ha người dân trong xóm đều đã thực hiện tốt cả quy trình từ trồng, chăm sóc đến thu hái, sao vò và lấy hương. Trước đây, người dân dùng phân đạm để bón cho chè nay chuyển sang bón bằng phân chuồng, phân sinh học. Không phun thuốc trừ sâu hóa học, chỉ dùng các loại thuốc được hướng dẫn, và thực hiện đầy đủ thời gian cách ly. Khi sao chè không để lẫn nước, tránh chè bị dập búp không ngon. Khu bảo quản, chế biến chè của người dân hiện đều được xây dựng cách xa khu chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh cho sản phẩm chè... Nhờ tuân thủ đúng và nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc, chế biến mà hiện nay giá bán chè sản phẩm chè đặc sản của xóm 9 tăng hơn trước, vào thời điểm đầu năm 2010, sản phẩm chè khô của xóm chỉ bán được với giá 50 nghìn đồng/kg thì hiện tại giá bán trung bình là 150 nghìn đồng/kg; chè giống Nhật có giá bán từ 250-280 nghìn đồng/kg.
Nói về phương hướng phát triển cây chè thời gian tới, ông Vũ Xuân Thái cho biết: Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015-2020 xác định tiếp tục đầu tư, phát huy thế mạnh của vùng chè Sông Cầu, phát triển cây chè là một nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng vận động người dân thâm canh, chế biến sản xuất chè theo quy trình VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm chè; tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn về trồng và chế biến chè. Từ đó, phấn đấu xây dựng thêm 2 đến 3 làng nghề chè nữa trong thời gian tới. Ngoài ra, trước mắt chúng tôi sẽ thực hiện mở rộng, quy hoạch lại chợ của thị trấn để thuận lợi cho việc buôn bán của các tiểu thương; tham gia các sự kiện lớn của tỉnh để có thể quảng bá sản phẩm chè của thị trấn. Địa phương phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất chè đạt 180 triệu đồng/ha…