Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Thái Nguyên được thành lập ngày 8-8-2003 theo Quyết định số 1793/QĐ-UB của UBND tỉnh, trên cơ sở đổi tên và kiện toàn Hội Hữu nghị với nước ngoài. Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Ban điều phối viện trợ Nhân dân (PACCOM), Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác đối ngoại của tỉnh.
Bám sát những mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2010-2015, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh đã chủ động tăng cường, củng cố mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, thông qua đó tranh thủ giới thiệu về vùng đất và con người Thái Nguyên. Cụ thể, đã tổ chức các hoạt động đón tiếp, giao lưu với nhiều đoàn hữu nghị nhân dân các nước (Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc…) đến thăm tỉnh ta. Đặc biệt là duy trì tốt mối quan hệ với Hội Saemaul của tỉnh Kieng Sang Buk (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng mô hình nông thôn mới tại xóm Rừng Vần, xã La Bằng (Đại Từ). Trong 5 năm qua, Hội Saemaul đã xây dựng tặng xã La Bằng 1 nhà văn hóa, 1 trạm y tế, 1 trường tiểu học, đường bê tông, đường điện trong xóm…
. |
|
. |
Cùng với hoạt động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh đã phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức cho hơn 20 đoàn nước ngoài đến khám chữa bệnh và tổ chức các hoạt động tình nguyện tại nhiều địa phương khó khăn trên địa bàn tỉnh, với hơn 7.000 lượt người dân được khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí (tổng trị giá thuốc chữa bệnh là hơn 4 tỷ đồng). Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh còn đón nhiều đoàn sinh viên tình nguyện của các nước thuộc Liên minh châu Âu, Hàn Quốc… tới giao lưu với thanh niên và tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện tại các xã trong tỉnh, đồng thời giao lưu cùng sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Trong những năm qua đã có khoảng 40 đoàn sinh viên tình nguyện người nước ngoài vào hoạt động tại địa phương, với tổng số kinh phí trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra, Liên hiệp đã phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tiến hành kiện toàn, thành lập thêm các hội hữu nghị: Việt - Nga, Việt - Đức, Việt - Hàn… nhằm tiến tới củng cố và xây dựng hoàn thiện hệ thống các hội hữu nghị của tỉnh.
Trong quá trình hoạt động, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức một số lớp tập huấn về công tác đối ngoại nhân dân, công tác viện trợ phi chính phủ cho lãnh đạo, chuyên viên các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Năm 2010, Liên hiệp đã phối hợp với Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tổ chức Hội nghị “Thái Nguyên với các tổ chức PCPNN hợp tác, phát triển tại Thái Nguyên” để kêu gọi các tổ chức PCPNN giúp đỡ tỉnh. Qua đó góp phần tác động tích cực đến việc thu hút các dự án viện trợ PCPNN vào tỉnh không ngừng tăng lên về cả số lượng các công trình, dự án cũng như giá trị giải ngân. Từ số lượng khoảng 5-6 tổ chức vào những năm 1995-1996, đến nay, tỉnh đã có quan hệ với khoảng trên 70 tổ chức PCPNN, trong đó có hơn 30 tổ chức có quan hệ trực tiếp với tỉnh. Quy mô và giá trị của các chương trình, dự án do các tổ chức PCPNN tài trợ cũng không ngừng tăng lên theo các năm. Nếu tổng giá trị viện trợ từ năm 1997 đến năm 2002 chỉ là 2,1 triệu USD thì riêng năm 2010 đã đạt đến con số trên 5,1 triệu USD (tương đương hơn 100 tỷ đồng). Tổng giá trị viện trợ PCP tính từ năm 2006 đến năm 2013 đạt hơn 23 triệu USD. Giá trị viện trợ tăng hàng năm khoảng 20%/năm. Các khoản viện trợ này đã có những đóng góp tích cực, cụ thể và mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng kịp thời phần nào nhu cầu bức thiết của người dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Thái Nguyên gặp không ít khó khăn. Bộ máy hoạt động của Liên hiệp 100% là kiêm nhiệm, không kinh phí hoạt động. Tất cả hoạt động của Liên hiệp do Chủ tịch và Tổng Thư ký trực tiếp chỉ đạo thực hiện và Phòng Hợp tác quốc tế (Sở Ngoại vụ) triển khai thực hiện (trong khi đó, tính đến cuối năm 2014, cả nước có 46 tỉnh có Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị, trong đó 25 tỉnh có cán bộ chuyên trách với biên chế từ 1 đến 31 người).
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động và tích cực Hội nhập quốc tế, triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại. Nhiệm kỳ 2015-2020, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Thái Nguyên đề ra nhiệm vụ tổng quát là: Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và chủ động hội nhập, đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hoá quan hệ hữu nghị, hợp tác, xây dựng hình ảnh tỉnh Thái Nguyên hữu nghị, năng động, giàu tiềm năng cho hợp tác phát triển.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát đã đề ra, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh đã cụ thể hóa bằng một số chỉ tiêu cụ thể, trong đó tập trung duy trì, mở rộng quan hệ, đa dạng hóa đối tác, củng cố, phát triển với các đối tác về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tiếp tục đổi mới hoạt động của Liên hiệp và các tổ chức thành viên, đưa công tác đối ngoại nhân dân trở thành “cầu nối” cho các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước của tỉnh. Củng cố, xây dựng tổ chức vững mạnh; phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất và bản lĩnh tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tăng cường vận động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức PCPNN để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Phấn đấu đưa tổng giá trị cam kết tài trợ viện trợ PCPNN trong 5 năm (2015-2020) đạt trên 35 triệu USD; giá trị giải ngân đạt trên 30 triệu USD.
- Mỗi năm tổ chức được ít nhất 1 lớp tập huấn về công tác đối ngoại nhân dân và viện trợ PCPNN cho các cán bộ chuyên trách của Liên hiệp và của các tổ chức hội thành viên, cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
- Thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức nhân dân của một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á.