Tính đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đạt 30.350 tỷ đồng, tăng 11,68% so với cuối năm 2014 (không tính Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên).
Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 5.611 tỷ đồng (tăng 7,76% so với cuối năm 2014), với gần 122 nghìn khách hàng hiện còn dư nợ. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn hiện cao hơn tốc độ chung của toàn ngành (toàn ngành là gần 11%); cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, khác với những năm trước là tăng trưởng tín dụng thường tập trung vào những tháng cuối năm thì năm nay được trải đều qua các tháng. Dự kiến đến cuối năm nay, mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn ước đạt 15% theo kế hoạch đề ra.
Đối với hoạt động huy động vốn, các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn đã huy động được 29.120 tỷ đồng, tăng 16,57% so với cuối năm 2014. Điểm đáng chú ý trong hoạt động huy động vốn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (nằm trong lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế) là kể từ ngày 28-9, mức lãi suất tối đa USD áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức giảm từ 0,25%/năm về mức 0%/năm; còn đối với tiền gửi USD của cá nhân giảm từ 0,75%/năm về 0,25%/năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 chi nhánh TCTD cấp 1, trong đó có 7 ngân hàng thương mại Nhà nước, 13 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, 2 quỹ tín dụng nhân dân, 1 tổ chức tài chính vi mô. Ngoài ra còn có Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên; 10 chi nhánh cấp II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT; 75 phòng giao dịch thuộc các ngân hàng có trụ sở tại tỉnh...