Giám sát việc thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất

20:00, 24/10/2015

Tiếp tục chương trình giám sát về kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh, ngày 24-10, Đoàn công tác của HĐND tỉnh do đồng chí Dương Văn Lành, Ủy viên Thường trực HĐND làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát mô hình trồng cây trùm ngây tại phường Lương Châu (T.P Sông Công) và chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất tại hợp tác xã chè Tân Hương (T.P Thái Nguyên); làng nghề chè truyền thống xóm 5, thị trấn Sông Cầu và làng nghề chè truyền thống xóm Hòa Khê, xã Văn Hán (Đồng Hỷ). 

Tại buổi giám sát, đại diện các đơn vị đã báo cáo nhanh quá trình triển khai thực hiện các mô hình, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất. Theo đó, mô hình trồng cây trùm ngây do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên triển khai vào cuối năm 2014 tại T.P Sông Công và huyện Đồng Hỷ với quy mô 2ha, tại 3 hộ gia đình. Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ 60% giá giống, 40% phân bón. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 600 triệu trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp công nghệ của tỉnh. Sau 1 năm triển khai thực hiện, mô hình đã cho kết quả bước đầu khá khả quan. Theo tính toán của các hộ dân, 1ha cây chùm ngây cho sản lượng trung bình từ 22-27 tấn/năm, giá trị ước đạt từ 1,5-1,9 tỷ đồng.

 

Về chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, từ năm 2014 đến nay, Sở Công Thương cùng với Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành hỗ trợ cho hợp tác xã chè Tân Hương một số máy móc phục vụ cho việc sản xuất và chê biến chè như: máy sao chè bằng gas, máy gắn túi, cân định lượng… với tổng giá trị 80 triệu đồng. Làng nghề chè truyền thống xóm 5, thị trấn Sông Cầu được hỗ trợ 35 bộ tôn sao chè bằng inox có ống khói, 2 máy hút chân không với tổng giá trị 280 triệu đồng. Làng nghề chè truyền thống xóm Hòa Khê, xã Văn Hán được hỗ trợ 36 bộ tôn sao chè bằng inox có ống khói, 21 máy vò chè, 2 máy hút chân không với tổng giá trị gần 400 triệu đồng. Sau khi nhận được hỗ trợ các hộ dân hưởng lợi đều có ý thức trách nhiệm trong việc bảo quản và phát huy tốt giá trị của máy móc, thiết bị. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè.

 

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trưởng đoàn đánh giá cao hiệu quả của những mô hình sản xuất được thực hiện từ nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Đồng chí đề nghị các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương cần thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn để theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; kiểm soát chặt chẽ giống cây trồng, vật nuôi, tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.