Hiệu ứng từ những bài báo

10:30, 12/10/2015

Có lẽ niềm vui lớn nhất của những người làm báo là tác phẩm của mình được độc giả đón nhận và có hiệu ứng trong đời sống xã hội. Cũng bởi thế, ngay từ khi nắm bắt thông tin rồi thâm nhập thực tế tìm hiểu cho đến lúc thực hiện tác phẩm, chúng tôi đều đau đáu một điều là làm sao để “đứa con tinh thần” của mình “sống khỏe”… Với những tác phẩm tham dự Cuộc thi báo chí về chủ đề “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống” thì yêu cầu cũng như mong muốn đó càng cao hơn.

Thực tế cho thấy, nghị quyết của Đảng luôn được bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân. Vì thế, bất cứ vấn đề nào của đời sống xã hội cần được phản ánh (dù tốt hoặc chưa tốt) cũng đều liên quan đến việc triển khai thực hiện nghị quyết… Với nhận thức như trên, những năm qua, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên Báo Thái Nguyên đã có hàng trăm tác phẩm mỗi năm phản ánh nội dung này. Một điều đáng mừng là phần lớn các tác phẩm tham gia Cuộc thi báo chí về chủ đề “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống” đã mang lại những hiệu ứng xã hội nhất định, trong đó không ít tác phẩm đưa ra được những đề xuất, kiến nghị có tính gợi mở hoặc chỉ ra những bất cập, hạn chế để cấp ủy, chính quyền các cấp tham khảo, lấy làm sở cứ trong chỉ đạo, điều hành công việc ở các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương… Xin lấy ví dụ từ một số tác phẩm để phần nào minh chứng cho điều này.

 

Đề cập đến một lĩnh vực “nóng” hiện nay, bài viết 2 kỳ “Cần phương án xử lý dứt điểm các khu chung cư già cỗi” của nhóm tác giả Ngọc Sơn - Nguyên Ngọc phản ánh tình trạng xuống cấp trầm trọng, đe dọa đến tính mạng của người dân ở 2 khu chung cư cũ trên địa bàn T.P Thái Nguyên là Phủ Liễn... Bài báo được đăng tải (tháng 4-2015) đã góp thêm tiếng nói để Sở Xây dựng và UBND T.P Thái Nguyên có công văn đề nghị với tỉnh chấp thuận cho đơn vị được nêu trong bài báo thực hiện dự án tái định cư (theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, đến nay đơn vị đó đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án).

 

Trên thực tế, các khu chung cư này đã khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực để phản ánh; cử tri các địa phương nhiều lần kiến nghị và chính quyền cũng đã không ít lần đưa ra phương án xử lý nhưng chưa giải quyết được (vì chưa có giải pháp khả thi). Trước thực tế đó, nhóm tác giả bài viết không chỉ nêu thực trạng những gì đang diễn ra ở 2 khu chung cư mà còn đề xuất được phương án xử lý, đó là có 1 đơn vị đã có sẵn một khu đất và nhà tái định cư phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân đang sống ở khu chung cư Phủ Liễn… Sau khi bài báo được đăng tải (tháng 4-2015) góp thêm tiếng nói về vấn đề này, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Xây dựng và UBND T.P Thái Nguyên đã có công văn đề nghị với tỉnh chấp thuận cho đơn vị được nêu trong bài báo thực hiện dự án tái định cư (theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, đến nay đơn vị đó đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án).

 

Được cho là “có duyên” với Cuộc thi báo chí về chủ đề “Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống”, 5 năm qua, năm nào nhà báo Huệ Dinh cũng “ẵm” được giải A. Nhiều vấn đề mà chị đưa ra đã gợi mở cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng nhiều giải pháp. “Huyền thoại hồ Núi Cốc bị xâm hại” là một trong những tác phẩm như thế. Trong bài viết này, tác giả Huệ Dinh đã đề cập đến tình trạng xây nhà trái phép tại khu du lịch trọng điểm quốc gia, khiến cảnh quan ở đây bị phá vỡ, môi trường bị ô nhiễm và làm mất an toàn cho người tham gia giao thông. Bài viết được đăng tải, điện thoại của những người đứng đầu cơ quan Báo khi đó đã không ít lần “đổ chuông”, có ý kiến bày tỏ sự ủng hộ, cũng có không ít ý kiến trái chiều. Nhưng rồi, với sự vào cuộc của tỉnh, tình trạng xây dựng nhà trái phép đã được ngăn chặn, những công trình xây dựng sai quy định đã bị buộc phải tháo dỡ; các cơ sở kinh doanh cũng đã phải hoạt động quy củ hơn để việc tham gia giao thông của người dân và du khách được đảm bảo.

 

Có lẽ, nhiều người vẫn còn nhớ, hơn 1 năm trước, tình trạng cho vay nặng lãi (tín dụng đen) diễn ra khá công khai ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến nhất là ở các cửa hàng cầm đồ. Đã có không ít sinh viên buộc phải thôi học, nhiều người phải bỏ nhà, bỏ việc, mất đất, thậm chí còn bị truy sát chỉ vì liên quan đến “tín dụng đen”. Trước thực tế này, phóng viên Thu Hằng đã không ngần ngại thâm nhập thực tế, lúc thì trong vai người làm ăn thất thế, lúc lại là “kẻ ham chơi cờ bạc, lô đề” dẫn đến việc phải “đi vay”. Để rồi qua những gì “mắt thấy, tai nghe”, chị đã phản ánh trong tác phẩm điều tra “Nhức nhối tín dụng đen”. Trên cơ sở nội dung bài báo và những thông tin mà nhà báo Thu Hằng cung cấp, đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và UBND cấp huyện tiến hành đợt tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và cho vay trên địa bàn toàn tỉnh; yêu cầu xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm pháp luật; tiến hành thu hồi để điều chỉnh những giấy phép kinh doanh trước đây đã được cấp sai để xóa bỏ ngành nghề “cho vay”… Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương, sau một thời gian, hoạt động “tín dụng đen” đã bước đầu được chấn chỉnh. Đến nay, cơ bản không còn tình trạng công khai hoạt động “cho vay” trái quy định…

 

Không hay đi vào những vấn đề gai góc của cuộc sống, nhưng nhà báo Minh Hằng lại có cái nhìn rất riêng trong thể hiện tác phẩm của mình. Trong Cuộc thi năm nay, tác phẩm “Đất lành nuôi ước mơ xa” của chị đã vinh dự nằm trong Top 3 tác phẩm đoạt giải A. Bài viết ca ngợi mảnh đất và con người thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), ở đó có những cán bộ, đảng viên “vàng” luôn dành nhiều tâm huyết và hết lòng, hết sức xây dựng quê hương. Theo lời đồng chí Đỗ Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy thị trấn Hùng Sơn, bài báo có sức lan tỏa, động viên rất lớn đối với cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây, nhất là những đảng viên “vàng” và con, cháu họ - những người đã không tiếc công, tiếc của ủng hộ hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng để giúp sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Cũng bởi thế, Hùng Sơn mới có điều kiện trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Qua bài báo, các đảng viên và nhân dân ở đây phần nào cảm nhận được sự ghi nhận của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với sự đóng góp của người dân. Điều này tạo ra sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cũng từ niềm tự hào ấy, mỗi cán bộ, đảng viên lại thấy bản thân và gia đình mình cần có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng, quê hương, góp sức xây dựng khối đoàn kết lương - giáo ngày càng bền chặt, để Hùng Sơn sớm trở thành đô thị loại IV, xứng đáng với sự ngợi ca của bài báo. Cũng thông qua bài viết, con của một đảng viên của Đảng bộ trước đó đã ủng hộ 100 triệu đồng để làm đường cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ từ 100-150 tấn xi măng khi xã, xóm triển khai làm đường vào xóm Khuôn Gà…

 

Cuộc thi báo chí về chủ đề “Đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống” khép lại, nhưng hiệu ứng của nhiều tác phẩm vẫn sẽ hiện hữu. Và, đội ngũ những người làm báo luôn mong muốn sẽ tiếp tục có được sân chơi bổ ích, quen thuộc này trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Chúng tôi cũng hy vọng, các tác phẩm mà những người làm báo đã dành bao tâm huyết, sức lực và trí tuệ, thậm chí cả máu và nước mắt để thực hiện, sẽ được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa, góp phần để các nghị quyết của Đảng thực sự mang lại giá trị thiết thực cho cuộc sống hôm nay.