Mang no ấm về với đồng bào

08:30, 26/10/2015

Mấy năm về trước, người dân xóm Vân Lăng (tiếng địa phương là Tàng Pàn), xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) cứ truyền tai nhau về giống ngô lai cho cái bắp to gần bằng bi chuối rừng. Để mua được giống ngô ấy tốn tiền lắm nên chỉ những nhà có điều kiện mới trồng giống ngô này. Nhưng nay thì khác rồi, giống ngô lai ấy đã bén rễ ở khắc các nương, bãi trên đồng đất Vân Lăng.

Vân Lăng là một trong những xóm bản khó khăn của tỉnh với 100 hộ đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng... sinh sống. Thu nhập của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp (hiện xóm có 15ha đất cấy lúa, 40ha đất trồng ngô và 19ha đất trồng cây ăn quả, chè). 5 năm trước, 100% số hộ dân trong xóm đều thuộc diện hộ nghèo. Được Nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất về phân bón; cây, con giống; phát triển cơ sở hạ tầng nên đến nay, số hộ nghèo của xóm đã giảm xuống còn 60%.

 

Theo ông Nông Văn Trân, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2011 đến nay, không chỉ riêng Vân Lăng mà rất nhiều xóm, bản vùng dân tộc miền núi, vùng cao của tỉnh đã được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình 134; chính sách trợ giá, trợ cước, hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân các xã 135, người dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn; chính sách trong các lĩnh vực giáo dục - Đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe, văn hóa - xã hội… Nhờ đó, trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi, hệ thống các công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang hơn trước. Đây là cơ sở tạo điều kiện tăng cường giao lưu mọi mặt giữa các vùng, tạo thị trường tiêu thụ nông sản ở nông thôn miền núi để thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập. Theo đó, đời sống mọi mặt của người dân trong vùng được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà ở và mua sắm được những dụng cụ sinh hoạt đắt tiền như xe máy, vô tuyến, máy móc phục vụ sản xuất…

 

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi của tỉnh đã giảm từ 27% năm 2011 xuống còn trên 11% (tỷ lệ  hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm tương ứng với số hộ thoát nghèo là 24.078 hộ); 85% gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tăng 10%; 99% hộ được sử dụng điện từ các nguồn, tăng 0,2% so với 5 năm trước; 323/442 trường học thuộc vùng dân tộc miền núi của tỉnh đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 73,07%, vượt 8,07% so với mục tiêu đến năm 2015 của tỉnh. Điều đáng nói là đến thời điểm này, 121/124 xã vùng dân tộc miền núi đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng từ 48,0% năm 2012 lên 57,12% hiện nay...

 

Mặc dù đã có bước chuyển biến rõ rệt song do địa hình phức tạp, địa bàn rộng; đồng bào dân tộc sống phân tán, ít có cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ; nhiều nơi tập quán canh tác còn lạc hậu, sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, dựa vào tự nhiên... nên tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở các địa phương này tuy đã được tăng cường, song chất lượng còn hạn chế, nhiều tuyến đường các công trình khác đã được đầu tư từ Chương trình 135 và các nguồn vốn nhưng so với tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì còn phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, nhất là đường giao thông xóm, bản. Trên địa bàn một số xã, xóm vùng sâu, vùng xa còn có những hoạt động bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự và sự đoàn kết trong đồng bào các dân tộc...

 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về dân tộc, những năm tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân về các phong trào thi đua yêu nước, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, gương điển hình tiêu biểu của đồng bào các dân tộc trong học tập, lao động sản xuất nhằm tạo ra phong trào thi đua sôi nổi; tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất... Từ đó giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
 

Thái Nguyên có 126 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc miền núi, có dân số gần  661 nghìn người (chiếm 58,84% dân số toàn tỉnh), được phân định thành 3 khu vực (I, II, III) theo trình độ phát triển. Trong đó 26 xã, thị trấn thuộc khu vực I; 81 xã, thị trấn thuộc khu vực II; 19 xã thuộc khu vực III. Trong các xã thuộc khu vực II và III có 208 xóm, bản được công nhận là xóm đặc biệt khó khăn.