Tiếp tục đổi mới công tác dân vận, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh

19:00, 14/10/2015

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, công tác dân vận có vai trò, ý nghĩa rất to lớn, góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một trong những tư tưởng lớn cho Đảng và nhân dân ta về công tác dân vận đó là: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Trong những năm qua, quán triệt các quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, nhất là sau khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, công tác dân vận của tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.

 

Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với hệ thống chính trị về công tác dân vận có chuyển biến rõ rệt, các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác vận động quần chúng được triển khai thực hiện có hiệu quả nhất là công tác vận động quần chúng ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, đồng bào có đạo, tôn giáo trên địa bàn. Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được chú trọng thực hiện có hiệu quả. Tình hình tín ngưỡng - tôn giáo cơ bản ổn định, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; các khiếu nại, tố cáo của nhân dân được giải quyết kịp thời, góp phần động viên quần chúng nhân dân tập trung thực hiện các mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật.

 

Bên cạnh đó, công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước đã được quan tâm sâu sắc hơn thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; ý thức, trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Các cơ quan nhà nước đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

Thông qua các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, phát huy tác dụng tốt, tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần vận động quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị các cấp nhất là ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Cũng chính từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã giáo dục cán bộ, đảng viên, xây dựng mối quan hệ máu thịt, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần làm chuyển biến và nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong tỉnh.

 

Có thể khẳng định, qua 85 năm xây dựng và phát triển, trên cơ sở quán triệt những chủ trương, quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn xác định công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích chung, công tác dân vận của đảng vẫn còn có những hạn chế, cần phải được khắc phục trong thời gian tới đó là: Công tác tham mưu, triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết một số chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự tích cực, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của công tác dân vận. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số nơi còn hình thức. Việc nắm bắt và tổng hợp tình hình nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, địa phương có lúc chưa kịp thời; nhất là trong việc nắm bắt tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo. Công tác của Mặt trận và đoàn thể ở nhiều nơi còn chậm về đổi mới, chưa theo kịp tương xứng với sự phát triển nhanh chóng của tình hình thực tiễn đã và đang diễn ra. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ dân vận ở cơ sở nhiều nơi còn hạn chế, chưa chủ động, sáng tạo…

 

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay đang đặt ra cho công tác dân vận và đội ngũ những người làm công tác dân vận của Đảng phải thường xuyên rèn luyện về bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng nghề nghiệp, có kinh nghiệm, trải nghiệm trong công tác, góp phần thiết thực vào việc củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thực hiện tốt phương châm:“Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; thực sự “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Chính vì vậy, trong thời gian tới hệ thống dân vận các cấp cần tập trung làm tốt một số nội dung sau đây:

 

Một là, cần tăng cường đổi mới về công tác dân vận trong tình hình mới, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện tốt một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

 

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước các cấp; gắn công tác dân vận với thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân hiểu và giám sát hoạt động của chính quyền, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, tạo sự đồng thuận cao để huy động tối đa nguồn lực tổng hợp của Nhân dân cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

 

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp. Thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, nắm chắc tình hình, tư tưởng các tầng lớp nhân dân, nhất là về những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập chính đáng của nhân dân.

 

Bốn là, Thường xuyên củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp vững mạnh; quan tâm công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ tuổi, có năng lực, trình độ, kinh nghiệm dân vận khéo… Tích cực phát hiện, bồi dưỡng kỹ năng vận động nhân dân cho đội ngũ già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong  các dòng họ và trong cộng đồng dân cư, tạo điều kiện để họ tham gia việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự lan tỏa, sức sống của công tác dân vận trong tình hình mới.

 

Với truyền thống vẻ vang 85 năm công tác Dân vận của Đảng, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, với những quyết tâm chính trị cao và sự đoàn kết thống nhất của đội ngũ cán bộ dân vận của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng trong thời gian tới, công tác Dân vận của tỉnh đảng bộ sẽ có bước tiến mới, đạt được nhiều kết quả, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của toàn Đảng bộ tỉnh.